Tiêu dùng
Khuyến khích mô hình bác sỹ gia đình
Chí Tín - 26/03/2013 09:00
Khuyến khích phát triển mô hình bác sỹ gia đình là một trong những giải pháp được Bộ Y tế đưa ra nhằm giảm nhẹ tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
TIN LIÊN QUAN
Các dịch vụ y tế sẽ phát triển đa dạng hơn, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Ảnh: Đ.T

(baodautu.vn) Tại Hội nghị “Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Đề án Giảm quá tải bệnh viện”, diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện các chính sách đã ban hành để hiện thực hóa quyết tâm của ngành y tế trong việc giảm tải tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong thời gian tới, Cục Khám chữa bệnh sẽ thực hiện một số biện pháp cụ thể, nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

“Ngành y tế cũng tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ y tế. Các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển sẽ phải có các giải pháp cụ thể để khuyến khích phát triển cơ sở khám chữa bệnh”, ông Khuê nói.

Về mô hình bác sỹ gia đình, Bộ Y tế đang xây dựng một đề án riêng, với lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2020. Theo đó, từ năm 2013 đến năm 2015, sẽ thí điểm áp dụng tại 8 địa phương, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Tiếp đó, giai đoạn 2016 – 2020, sẽ tiến hành nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn quốc.

Theo Đề án, thời gian đầu, tại 8 địa phương trong diện thí điểm sẽ thành lập tối thiểu 80 phòng khám bác sỹ gia đình, trong đó, Hà Nội có 20 phòng khám, TP.HCM 30 phòng khám, các địa phương còn lại mỗi nơi khoảng 5 phòng khám.

Phòng khám bác sỹ gia đình sẽ được xây dựng theo 3 hình thức: phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình lồng ghép chức năng trạm y tế xã và phòng khám bác sỹ gia đình tại khoa khám bệnh của các bệnh viện (thuộc sự quản lý của bệnh viện).

Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong 3 hình thức của phòng khám bác sỹ gia đình nêu trên, định hướng chung là phát triển mạnh mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, chiếm khoảng 70% tổng số lượng phòng khám bác sỹ gia đình.

Phòng khám bác sỹ gia đình phải đảm bảo đáp ứng được các điều kiện về chuyên môn, nhân sự, cơ sở vật chất…

Để tăng cường quản lý hệ thống phòng khám gia đình, Bộ Y tế đã đưa ra phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mô hình phòng khám này. Theo đó, ngành y tế sẽ xây dựng phần mềm tin học quản lý các thông tin về sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng, đồng thời kết nối mạng giữa các phòng khám bác sỹ gia đình với các cơ sở y tế khác và xây dựng bệnh án điện tử y học gia đình.

Tin liên quan
Tin khác