Các báo cáo đã chỉ ra rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tăng trưởng kinh tế kể từ cuộc cải cách kinh tế những năm 1980 và 1990. 20 năm qua đã chứng kiến sự gia tăng ấn tượng của GDP bình quân đầu người với mức tăng từ 98 đô la Mỹ/người vào năm 1990 lên 2186 đô la Mỹ/người vào năm 2016, tức là gấp 22 lần chỉ trong hơn 15 năm.
Một trong những đóng góp vào sự tăng trưởng này là sự bùng nổ trong sản xuất xuất khẩu, đặc biệt là trong ngành may mặc và dệt may. Năm 2016, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 trên thế giới.
. |
Theo báo cáo "Xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn: Việt Nam bùng nổ mạnh ngành sản xuất hàng may mặc đã thực sự đem lại lợi ích cho phụ nữ?", sự mở rộng ngành dệt may đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và tạo nhiều công ăn việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đặt ra một câu hỏi, liệu những công việc này có mang lại cho phụ nữ mức lương đủ sống, cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài? Liệu những công việc này đã đạt được tiêu chuẩn về việc làm thỏa đáng?
Mặc dù lao động là động lực chính cho sự bùng nổ trong công nghiệp, với 80% lao động làm trong ngành dệt may là phụ nữ, nhưng công việc của họ thường là những công việc lương thấp, tay nghề thấp, ngắn hạn và không đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về việc làm thỏa đáng. Phụ nữ làm việc trong các nhà máy may mặc phải làm việc vất vả trong nhiều giờ, nhưng chỉ kiếm được trung bình 3-5 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tiêu chuẩn hiện tại của Hiệp hội Lương Sàn Châu Á.
Mức lương tối thiểu của Việt Nam cũng thấp hơn các nước sản xuất hàng may mặc khác. Không chỉ vậy, nữ công nhân làm trong ngành này thường là phụ nữ trẻ. Do vậy, phụ nữ trên 35 tuổi phải đối mặt với cơ hội việc làm bị hạn chế và mức lương hưu thấp do họ có mức lương làm việc thấp và tuổi nghỉ hưu sớm.
Các báo cáo cũng chỉ rõ mô hình sản xuất xuất khẩu hiện nay dường như không mang lại nhiều lợi ích về thuế cho Việt Nam. Nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành may mặc và dệt may Việt Nam còn tương đối thấp , chỉ đạt 40 triệu đô la Mỹ trong năm 2012, tương đương với khoảng 0,1% tổng nguồn thu từ thuế của Việt Nam trong năm này. “Nguồn thu thấp từ thuế doanh nghiệp một phần là vì các ưu đãi thuế, một phần là do lợi nhuận thấp mà ngành này mang lại cho Việt Nam, trong khi lợi nhuận cao thường thuộc về các công ty nằm trên trong chuỗi giá trị, chẳng hạn như các nhà bán lẻ ở châu Âu và Mỹ. Nguồn thu từ thuế ít sẽ hạn chế việc đầu tư cho các dịch vụ công và bảo trợ xã hội cho phụ nữ trong ngành may mặc khi làm việc và sau khi nghỉ hưu”, báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo kết quả nghiên cứu này, ngành may mặc và dệt may chỉ là một phần của một bức tranh lớn hơn về công nghiệp hóa và tác động của nó đối với phụ nữ. Báo cáo “Không chỉ là lời hứa đãi bôi - Thúc đẩy quyền phụ nữ trong công nghiệp hóa” đề cập đến những bài học kinh nghiệm về công nghiệp hóa ở các nước và vùng lãnh thổ Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan 50 năm trước. Sự tăng trưởng kinh tế của các nước này cũng chủ yếu dựa vào lực lượng lao động nữ, tuy nhiên phần lớn phụ nữ không được trả công thỏa đáng và bị đánh giá thấp.
Nhiều thập niên sau, các quốc gia này nằm trong số các thành viên của OECD có khoảng cách về giới lớn nhất. Chiến lược công nghiệp hiện tại của Việt Nam cũng học hỏi từ thành công của Hàn Quốc và Đài Loan trong ba thập niên qua. Việt Nam cũng đã có nhiều điều luật và chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách về giới, với các mục tiêu cụ thể để giải quyết bất bình đẳng về kinh tế của phụ nữ, nhưng phụ nữ vẫn phải chịu thiệt thòi về mặt kinh tế, xã hội và chính trị do các chiến lược phát triển công nghiệp và bình đẳng giới vẫn chưa liên quan chặt chẽ với nhau.
“Tăng trưởng kinh tế không thể đạt được nếu không đảm bảo các quyền của phụ nữ. Đã đến lúc chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo việc làm thỏa đáng cho phụ nữ, thông qua các chính sách công nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ tới việc làm thỏa đáng trong sản xuất xuất khẩu và giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống các hiệp định thuế làm mất đi nguồn thu ngân sách cho các dịch vụ công cần thiết”, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam cho biết.
Các cuộc thảo luận từ Tọa đàm chính sách khuyến nghị các doanh nghiệp ở Việt Nam nên tăng mức lương tối thiểu, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong các nhà máy, cũng như tăng cường giám sát và cung cấp nhà trẻ cho nhân viên. Chính phủ nên đầu tư giúp phụ nữ tiếp cận với việc làm thỏa đáng trong tương lai thông qua các chương trình đào tạo nghề, đại học hoặc các chương trình việc làm cho phụ nữ để giúp họ tiếp cận với các cơ hội việc làm tay nghề cao, hoặc tự mở kinh doanh nhỏ.
Các ưu đãi về thuế cũng cần phải được xem xét để đảm bảo nguồn thu ngân sách cho các dịch vụ công có nhạy cảm giới. Cuối cùng các chính sách công nghiệp trong tương lai cần có mục đích rõ ràng nhằm trao quyền cho phụ nữ, giúp họ có việc làm thỏa đáng, được tiếp cận các cơ hội kinh tế, đảm bảo rằng bình đẳng giới cần phải đi đôi với phát triển kinh tế.