Du lịch
Kịch bản “làm mới” du lịch Đà Nẵng
Linh Đan - 25/06/2022 14:20
Đà Nẵng hội đủ các điều kiện về tài nguyên du lịch, môi trường, hạ tầng, cơ sở dịch vụ… để trở thành điểm đến hấp dẫn, nhưng điều đó là chưa đủ, nếu hình ảnh du lịch không được “làm mới”.
Đà Nẵng cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn, như Cầu Vàng tại khu du lịch Sun World Ba Na Hills, thôi thúc du khách ước mong được trải nghiệm

Phục hồi ngoạn mục

Ngành du lịch Đà Nẵng đang đón “cơn mưa” du khách, nhất là khách nội địa, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, trong những ngày cuối tuần, các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ, vận chuyển khách… đều trong tình trạng “full”. Khách quốc tế cũng bắt đầu trở lại Đà Nẵng, đường bay Đà Nẵng - Hàn Quốc đã phục hồi…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục của nguồn khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Thời điểm này, lượng khách nội địa đến Đà Nẵng tăng 25 - 30% so với cùng kỳ năm 2019 (thời kỳ thu hút khách du lịch cao điểm nhất trước khi Covid-19 bùng phát), lượng khách quốc tế cũng có dấu hiệu phục hồi tốt với 6 - 7 chuyến bay/ngày.

Hàn Quốc là thị trường trọng điểm, đứng đầu trong các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Đà Nẵng đạt hơn 1,7 triệu lượt.

Sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng trong những năm qua là minh chứng cho sự hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt du khách Hàn Quốc. Đây là cơ sở vững chắc để kỳ vọng vào sự phục hồi sớm hoạt động trao đổi du lịch giữa hai nước trong thời gian tới, khi cả Việt Nam và Hàn Quốc đang khống chế tốt dịch Covid-19 và đang dần khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất, giao thương.

Để có được kết quả này, ngoài sự bật tăng nhu cầu đi du lịch của khách sau thời gian dài bị “kìm nén” vì dịch bệnh, còn có những nguyên nhân rất cơ bản là sự quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, Sở Du lịch và các cơ quan chức năng; sự phục hồi nhanh chóng của hệ thống dịch vụ; sự ra đời của hàng loạt sự kiện, sản phẩm mới chào đón du khách và sức cạnh tranh tốt hơn của Đà Nẵng về chất lượng, giá cả...

Đó là nhiều hạng mục được đầu tư thêm của Sun World Ba Na Hills, Asia Park, Núi Thần Tài; sản phẩm bay trực thăng ngắm Đà Nẵng; các sản phẩm vui chơi, giải trí, ẩm thực mới, đặc sắc; các sản phẩm du lịch sinh thái nông thôn...

Ông Dũng nhấn mạnh, Đà Nẵng hội đủ các điều kiện về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở dịch vụ, môi trường du lịch, an ninh an toàn, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp... để có thể trở thành một trong những trung tâm du lịch biển ở khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, bền vững hơn, cần nhanh chóng có quy hoạch phát triển du lịch trong quy hoạch tổng thể phát triển TP. Đà Nẵng; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để có thể nhanh chóng vươn ra biển, ra vịnh, quanh bán đảo Sơn Trà, các tuyến đường sông (đặc biệt là tuyến Cổ Cò thông với Quảng Nam); bố trí thêm nguồn từ ngân sách và tạo cơ chế cho việc xã hội hóa nguồn lực; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư có khả năng làm thay đổi diện mạo du lịch điểm đến...

Giải pháp nào “làm mới” hình ảnh du lịch?

Thời gian qua, câu chuyện “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi” khá phổ biến ở một số thành phố du lịch. Đà Nẵng phải làm gì để tránh thực trạng này?

Theo ông Dũng, cần có khảo sát, đánh giá cụ thể xuất phát từ năng lực tiếp nhận của điểm đến và nhu cầu của du khách từ các thị trường chính. Với định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng nghỉ dưỡng cao cấp gắn với định vị thành phố sự kiện, cửa ngõ các di sản, du lịch đô thị, du lịch xanh..., thì rất cần những loại hình dịch vụ lưu trú cao cấp, tạo sự khác biệt, gắn với từng thị trường khách cụ thể. Bên cạnh đó, cần có định hướng để hạn chế dần các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, manh mún, các cơ sở từ 3 sao trở xuống.

Tại nhiều điểm đến, các sản phẩm du lịch không được đầu tư làm mới đã gây nhàm chán đối với không ít du khách. Khi đó, du khách chỉ đến một lần, khó quay trở lại. Đà Nẵng có rơi vào tình trạng này hay không?

Trao đổi về vấn đề này, ông Dũng cho biết: “Thu hút khách quay lại luôn là mục tiêu lâu dài, cơ bản của cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn Đà Nẵng. Chính vì vậy, bên cạnh việc đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giữ chất lượng, môi trường, hình ảnh cho du lịch Thành phố, cộng đồng doanh nghiệp luôn ý thức tự làm mới mình, luôn tạo ra nhiều sản phẩm mới đủ sức hấp dẫn qua từng năm để tạo sự sinh động cho điểm đến, tránh nhàm chán, góp phần thu hút du khách quay lại Đà Nẵng”.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư nâng cấp, hình thành các sản phẩm mới như đầu tư các bến thủy nội địa, mở tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn, triển khai thí điểm khai thác hoạt động vui chơi biển, vui chơi giải trí về đêm với việc khai trương bãi biển đêm Mỹ An; đầu tư Phố du lịch An Thượng; triển khai Dự án Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh đó, nâng cấp và tổ chức thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí mới lạ tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; triển khai chính sách miễn phí tham quan các điểm du lịch do Nhà nước quản lý đối với danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Đặc biệt, Đà Nẵng đã đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc tế như Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) vào tháng 6/2022, Cuộc thi IRONMAN Việt Nam vào tháng 5/2022, Cuộc thi Thuyền buồm Đà Nẵng vào tháng 6/2022, giải Golf châu Á vào tháng 9/2022… cùng rất nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, hấp dẫn khác.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours tự tin cho rằng, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng khá đa dạng, còn hạ tầng du lịch đang “dư sức” đáp ứng. Tuy nhiên, để làm mới hình ảnh du lịch, thì còn nhiều việc phải làm. Ví dụ, cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc thù như văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh… để thu hút thị trường khách Ấn Độ; có thêm những sản phẩm du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, cộng đồng.

“Du lịch xanh đang là xu thế, hướng đến du lịch bền vững. Thời gian qua, du khách khá thích thú với du lịch trải nghiệm, dã ngoại ở khu vực phía Tây Đà Nẵng. Như ở Hội An (Quảng Nam), dù mới nổi lên, nhưng rừng dừa Bảy Mẫu, hay vườn rau Trà Quế đã thu hút đáng kể du khách. Đà Nẵng có thể hình thành các mô hình như thế, nhưng không “sao chép”, mà có cách làm riêng, độc đáo hơn. Đó cũng là một trong những ý tưởng để Đà Nẵng đa dạng sản phẩm du lịch”, ông Anh chia sẻ.

Ông Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, việc làm mới sản phẩm du lịch, tránh nhàm chán đối với du khách là vấn đề khó, mang tính dài hơi. “Trước tiên, chúng ta cần làm mới tour truyền thống. Ví dụ, chương trình tour trước đây thiết kế 4 ngày 3 đêm, thì bây giờ có thể đưa thêm 1 ngày food tour (du lịch ẩm thực), hoặc “chèn” thêm vào sản phẩm du lịch sông nước (đang là thế mạnh của Đà Nẵng)…”, ông Ngọc Anh hiến kế.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, trước khi Covid-19 bùng phát, Đà Nẵng có 3 thị trường khách trọng điểm là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Lượng khách từ 3 thị trường này chiếm gần 90% tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng.

Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Đà Nẵng, chiếm đến 50% tổng lượt khách quốc tế đến Thành phố, gấp đôi so với thị trường đứng thứ hai là Trung Quốc. Lượng khách từ Nhật Bản tuy thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng đây là thị trường truyền thống, có mức chi tiêu cao. Tác động của đại dịch làm thay đổi cơ cấu cũng như luồng khách quốc tế ở tất cả các điểm đến, nhưng Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn nằm trong top những thị trường khách quốc tế quan trọng của Đà Nẵng, vì đã được thiết lập bền vững trong nhiều năm qua.

Bởi vậy, mục tiêu trong ngắn hạn của du lịch Đà Nẵng vẫn sẽ là duy trì những thị trường lớn thông qua việc đánh giá chính xác những thay đổi hành vi cũng như mức độ sẵn sàng đi du lịch của khách, từ đó xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá hiệu quả để thu hút luồng khách quan trọng này.

Qua nghiên cứu định hướng thị trường khách quốc tế và đề xuất giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, mục tiêu chung của giai đoạn I (2022 - 2023) là tồn tại và phục hồi, kế hoạch xúc tiến và quảng bá chung cho Đà Nẵng giai đoạn này đều được xây dựng nhằm phục vụ mục tiêu này. Tuy nhiên, đối với từng thị trường, do đặc tính khác nhau về mức độ nhận biết và nhận thức về điểm đến, các hoạt động xúc tiến và quảng bá được thực hiện với các mục tiêu nhỏ khác nhau, phù hợp với mục tiêu chung. Việc xác định mục tiêu của từng thị trường dựa trên hai yếu tố chính là mức độ nhận biết điểm đến và tốc độ phục hồi của thị trường du lịch quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác