Tầm nhìn phát triển của Đà Nẵng là trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á |
25 năm “định hình” Đà Nẵng
Đồ án Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã khẳng định, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Trên thực tế, trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng có mức độ phát triển cao nhất, cũng là địa phương có vị thế, nền tảng và cơ hội phát triển mạnh nhất. Nếu lấy Đà Nẵng làm tâm và bán kính 200 km ra xung quanh, ta sẽ được một vùng không gian rộng lớn với dân số khoảng 5 triệu người, bao gồm các đô thị lớn như Huế, Hội An, Tam Kỳ và Quảng Ngãi, trở thành vùng thị trường tiềm năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt xét trên cả hai khía cạnh cung - cầu của Đà Nẵng và các địa phương trong vùng.
Vì vậy, “chìa khóa” chiến lược phát triển cho Đà Nẵng phải được củng cố, đồng thời, cần tăng cường các hoạt động kinh tế đô thị, hướng chúng đến các tỉnh liền kề, thông qua kết nối hạ tầng.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, trong hơn 25 năm trước đây, Đà Nẵng đã phát triển nhanh, mạnh, vươn mình bứt phá với việc phát triển đồng bộ không gian, hạ tầng trên toàn đô thị. Giờ đây, việc điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra định hướng phát triển đô thị cho giai đoạn sắp tới với tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Bản Quy hoạch không chỉ định hướng cho các không gian trên mặt đất, mà còn cả không gian ngầm, các không gian nội - ngoại thành và huyện đảo Hoàng Sa… Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, Đà Nẵng sẽ sớm xây dựng và phê duyệt Quy hoạch Phân khu, Quy hoạch Chi tiết làm cơ sở xác định địa điểm các dự án cần mời gọi đầu tư.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, Thành phố khó thu hút được nhà đầu tư lớn, do quỹ đất trong các khu công nghiệp hạn chế, giá thuê đất cao hơn các địa phương lân cận, nên khó cạnh tranh. Từ năm 2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, rất nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm đến tìm hiểu cơ hội tại Thành phố, nhất là trên lĩnh vực dịch vụ, công nghệ cao.
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đà Nẵng đang nỗ lực thu hút đầu tư, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế. Các sự kiện xúc tiến đầu tư, động thổ khởi công, khánh thành dự án trọng điểm đồng loạt triển khai trong tháng 6 này. Trong đó, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 được kỳ vọng tạo sức bật mới với nhiều dự án lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược.
Trở thành tâm điểm thu hút đầu tư
Từ giữa tháng 3/2022 đến nay, sau khi các đường bay quốc tế được nối lại, Đà Nẵng liên tiếp đón các nhà đầu tư lớn từ Đức, Hà Lan, Nhật Bản; Tổng lãnh sự Australia, Tổng lãnh sự Vương quốc Anh, các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Anh quốc... tại Việt Nam đến tìm hiểu môi trường đầu tư. “Trong Diễn đàn Đầu tư kỳ này, chúng tôi sẽ giới thiệu các dự án lớn, có tính chiến lược, trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, bà Huỳnh Liên Phương cho biết.
Mong muốn kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với Đà Nẵng đã được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng “chuyển tải” trực tiếp qua những cuộc làm việc tìm hiểu môi trường đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Quảng cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đạt kết quả cao nhất theo Nghị quyết của Thành ủy là phát huy vai trò, tác động lan tỏa của đầu tư công trong tăng trưởng và tái phục hồi kinh tế. Vì vậy, Đà Nẵng đang giám sát chặt chẽ các công trình, dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn để cùng nhà đầu tư “gỡ tiến độ”.
Kỳ vọng đó đã được các nhà đầu tư nước ngoài “đáp đền” với việc tăng vốn để mở rộng dự án tại Đà Nẵng.
Đầu tháng 6, Tập đoàn Mikazuki chính thức đưa vào vận hành tất cả hạng mục của Dự án Khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki với tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng. Ông Yoshimune Odaka, Chủ tịch Mikazuki chia sẻ, Dự án không chỉ mang lại sản phẩm du lịch mới cho Đà Nẵng để du khách trải nghiệm văn hóa, dịch vụ chuẩn Nhật, mà còn có ý nghĩa thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Mikazuki sẽ biến dự án này trở thành minh chứng điển hình cho việc đầu tư thành công của doanh nghiệp Nhật Bản vào Đà Nẵng, cố gắng đưa hình ảnh Đà Nẵng quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản.
Ông Yoshimune Odaka cũng khẳng định, sẽ triển khai đầu tư một số dự án mới tại Đà Nẵng như cầu đi bộ, phố đêm tại quận Liên Chiểu. Tập đoàn sẽ phối hợp với Đà Nẵng để hoàn thiện thủ tục, khởi công dự án trong năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
So với du lịch, ngành công nghiệp Đà Nẵng ít được nhắc đến hơn, nhưng trong chiến lược phát triển, Thành phố đặt mục tiêu: công nghiệp công nghệ cao sẽ là lĩnh vực mới và mũi nhọn được ưu tiên tập trung thu hút đầu tư. Đà Nẵng đã thu hút được không ít doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này, trong đó có một dự án về ngành hàng không vũ trụ.
Đó là Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine, do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn 170 triệu USD, đã hoàn thành giai đoạn I, đang cung cấp linh kiện máy bay hàng đầu thế giới cho các công ty hàng không. Trong giai đoạn II, Nhà máy sẽ mở rộng sản xuất bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không và sản xuất nguyên liệu thô bằng vật liệu composite.
Chia sẻ lý do lựa chọn đầu tư tại Đà Nẵng trong Hội thảo Nâng cao năng lực quản lý và khai thác nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG nói: “Đà Nẵng được biết đến là ‘thành phố đáng sống’ không những cho người Việt Nam, mà còn là sự chọn lựa của nhiều người nước ngoài. Đây là niềm tự hào đối với lãnh đạo các cấp và người dân Đà Nẵng. Cá nhân tôi cũng rất yêu thành phố xinh đẹp và đầy tiềm năng này, vì thế, với tư cách là một nhà đầu tư gần 10.000 tỷ đồng tại Đà Nẵng, tôi luôn quyết tâm dành trọn tâm huyết của mình để xây dựng và đóng góp những công trình tầm cỡ, thật sự có giá trị và xứng tầm để Đà Nẵng trở thành một trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa và du lịch của cả nước”.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga cũng lưu ý, trong bối cảnh các địa phương đều đang đẩy mạnh “trải thảm đỏ” mời gọi, thu hút đầu tư, nếu việc đầu tư vào Đà Nẵng gặp nhiều trở ngại, thì các nhà đầu tư sẽ chuyển nguồn vốn đi nơi khác. Tuy nhiên, bà tin tưởng, các dự án của BRG khi được triển khai và đưa vào sử dụng tại Đà Nẵng sẽ góp phần làm thay đổi tích cực hình ảnh của Thành phố, gia tăng nguồn thu ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Được biết, kế hoạch của Liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo là đầu tư cảng Liên Chiểu thành cảng quốc tế có thể mời gọi tàu lớn, sau khi Biên bản ghi nhớ đầu tư giữa lãnh đạo TP. Đà Nẵng và liên danh này được ký kết tại Nhật Bản vào năm ngoái. Điều này, theo đại diện hai đơn vị đề xuất ý tưởng đầu tư, là khả thi, khi nhà đầu tư đóng vai trò là chủ hàng trong hoạt động thương mại quốc tế, bên cạnh đó, Sumitomo và các công ty thành viên có mối quan hệ với các hãng tàu quốc tế thông qua nhiều hoạt động kinh doanh…
Đà Nẵng đã nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Ở chiều ngược lại, Thành phố cũng đang nỗ lực đồng hành để cùng phát triển, hướng đến sự thịnh vượng chung.