Mở rộng Sân bay Nội Bài là một trong những dự án trọng điểm cần sớm thực hiện. Ảnh: Đức Thanh |
Thúc dự án trọng điểm
Một loạt dự án trọng điểm, từ các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đến Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ… đã được “gọi tên” trong Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Dễ hiểu vì sao các dự án này được nhấn mạnh, bởi đây đều là các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Thậm chí, không chỉ có ý nghĩa hóa giải điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, các dự án này khi hoàn thành còn tạo động lực cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho tăng trưởng và phát triển cho giai đoạn sau. Chưa kể, chỉ riêng khoản đầu tư không nhỏ của các dự án trọng điểm này khi được đưa vào giải ngân cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang đe dọa việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của năm nay.
“Với nền kinh tế Việt Nam, động năng tăng trưởng nằm ở việc gia tăng sản lượng sản xuất, gia tăng đầu tư, nhưng đã 3 năm nay, đầu tư công không có dự án mới, rất chậm, tắc nghẽn trong triển khai. Vậy vấn đề nằm ở đâu?”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.
Là Tổng tư lệnh của cơ quan tham mưu cho Chính phủ về phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong các cuộc họp gần đây về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước tác động của dịch Covid-19, cũng rất sốt ruột trước tình trạng này.
Không chỉ với các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng rất sốt ruột khi các dự án công nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng, như các dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú I, Sông Hậu, các dự án điện khí, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia... cũng rất chậm triển khai.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Thậm chí, phương án thay đổi hình thức đầu tư, từ PPP sang đầu tư công, rồi chuyển sang hình thức chỉ định thầu cũng đã được tính đến. Đây là biện pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho là cần thiết, để vừa đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”, không ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, vừa sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
“Không được chậm trễ nữa”, Thủ tướng chỉ đạo.
Vì không được để chậm trễ, chiều 12/3, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tại cuộc họp này, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với một số dự án cấp bách nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất trên và nhấn mạnh cần sớm có báo cáo chính thức, trình cấp có thẩm quyền, với tinh thần là phải bảo đảm tiến độ, thời gian, chất lượng.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Vốn đầu tư công vốn đã rất hạn hẹp và thực tế là rất nhiều bộ, ngành, địa phương mong muốn “xí” được một phần của miếng bánh đó. Nhưng rất lạ, dù nguồn lực hạn chế, tiền có sẵn, song việc giải ngân nguồn vốn này luôn chậm trễ. Tình trạng này đã kéo dài, đến mức Thủ tướng Chính phủ gọi đó là một “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Năm ngoái vẫn còn hơn 100.000 tỷ đồng chưa tiêu hết. Năm nay sẽ có trên 500.000 tỷ đồng vốn đầu tư theo kế hoạch. Chưa kể, khoản vốn ODA mà các đối tác phát triển đã cam kết còn hơn 20 tỷ USD chưa được đưa vào thực hiện. Chỉ riêng việc đưa được các khoản vốn này vào giải ngân, nền kinh tế đã có thêm lực để vượt qua sóng gió của dịch Covid-19.
- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thế nhưng, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 tính đến hết ngày 29/2/2020 mới đạt trên 34.700 tỷ đồng, bằng 7,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 3,89% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
So với năm ngoái, tốc độ giải ngân trong 2 tháng đầu năm nay đã cao hơn. Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: giải ngân vốn đầu tư công “vẫn ở mức thấp”. Nguyên nhân có lẽ do đây mới là những tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương còn tập trung giải ngân nốt phần vốn của năm 2019.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương hiện mới cơ bản hoàn thành việc phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 được giao. Chưa kể, còn do sự thiếu hụt lao động tại các công trường xây dựng, doanh nghiệp cung cấp thiết bị xây dựng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Có một điểm tích cực hơn năm ngoái, đó là việc giao vốn kế hoạch năm 2020 đã được hoàn thành ngay từ cuối năm ngoái. Và ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cũng đã rốt ráo phân bổ vốn kế hoạch cho các dự án. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 2/2020, vẫn còn 5 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020, với tổng số vốn chưa phân bổ là 24.261,014 tỷ đồng.
Số tiền còn lại không lớn, song trong Chỉ thị 11/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, một hội nghị trực tuyến của Chính phủ dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 3 này. Khi đó, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được “truy” đến cùng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói, sẽ “có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ”. Với những động thái này, kỳ vọng việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh.