Ngân hàng - Bảo hiểm
Kích tổng cầu để đưa nợ xấu xuống dưới 3%
Thùy Vinh - 11/01/2015 09:36
Để đạt được mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm 2015, giải pháp được cho là có tác dụng chính là kích cầu, trong đó có cả kích cầu bất động sản.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lợi nhuận ngân hàng 'mỏng' vì nợ xấu
Năm 2015, nợ xấu ngân hàng về mức 3%
VAMC đã "làm sạch" 123.000 tỷ đồng nợ xấu
Càng để lâu, "sửa" hệ thống ngân hàng càng tốn kém
Vốn ngân hàng đang chảy vào đâu?

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến cuối quý III/2014 chiếm khoảng 4,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (trừ đi khoản đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, tổng nợ xấu còn lại của ngành khoảng 161.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả nợ xấu mới phát sinh).

Năm 2015, mục tiêu đặt ra là kéo nợ xấu xuống dưới 3%

Không ai có thể khẳng định, khi nào sẽ giải quyết được nợ xấu, nhưng TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để giải quyết được nợ xấu, trước hết phải cải thiện được tổng cầu của thị trường, song cần có thời gian.

“Nếu tập hợp các giải pháp đồng bộ, như kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt; ngân hàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro; giảm bớt thủ tục hành chính để có thể xử lý được phát mãi tài sản; hình thành thị trường mua - bán nợ, thì tiến độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh hơn so với hiện nay. Mặt khác, cần thêm cơ chế và trao quyền cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bán nợ để có điều kiện mua thêm nợ xấu…, mới có thể đạt được mục tiêu kéo nợ xấu xuống dưới 3% trong năm 2015”, ông Lịch nói.

Thực tế cho thấy, trong 3 năm qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã ra sức xử lý nợ xấu bằng nhiều hình thức khác nhau (thu hồi nợ bằng tiền mặt, cơ cấu, gia hạn, giảm lãi suất, bán nợ xấu cho VAMC, phát mãi tài sản và tăng trích dự phòng rủi ro), nhưng nợ xấu của ngành ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng khi sức mua thị trường và tồn kho chưa cải thiện, tình hình trì trệ của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể được đánh tan. Nợ xấu của ngành ngân hàng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản, vì tài sản thế chấp là bất động sản chiếm 85-90%. Nhưng quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn và mất thời gian, nhất là để phát mãi được tài sản thế chấp.

Do đó, giải pháp được cho là có tác dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu chính là kích cầu, trong đó có cả kích cầu bất động sản bằng cách giảm lãi suất, rộng cửa đối với tín dụng lĩnh vực này khi ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh cho vay mua nhà.

“Nếu bất động sản tan băng, sẽ là điều kiện tốt nhất để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lên ngay thì rất khó, kể cả có thêm gói kích cầu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nói và cho rằng, cần phải hiểu VAMC chính là một công cụ, sáng kiến tốt của NHNN trong việc làm sạch bản cân đối kế toán tạm thời cho ngân hàng. VAMC cũng chỉ mua nợ xấu của các ngân hàng tạm thời, song khó xử lý nợ xấu một cách triệt để. Thực tế, hơn 95.000 tỷ đồng mà VAMC mua lại chưa có đầu ra. Do đó, theo TS. Hiếu, không nên kỳ vọng quá nhiều vào VAMC.

Trong khi đó, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, mục tiêu đưa nợ xấu của ngành về 3% trong năm 2015 của NHNN cũng có cơ sở, khi mà nền kinh tế đã có những bước phục hồi mạnh mẽ: tăng trưởng năm nay đạt trên 5,9%, lạm phát lại thấp, một số chỉ tiêu khác cũng rất tốt như xuất khẩu, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm…

Mặt khác, Thủ tướng đã khẳng định trước Quốc hội là, năm 2015, sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%. Vì thế, TS. Phước cho rằng, nếu đà phục hồi này được duy trì cùng với việc thực hiện tốt tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tiếp tục thay đổi môi trường đầu tư, thì mục tiêu giảm nợ xấu xuống mức thấp 3% là hoàn toàn khả thi.

Cũng theo TS. Phước, việc VAMC ra đời đã là giải pháp tình thế, nhưng phù hợp với tình hình của Việt Nam. Mặc dù cần thay đổi và tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để VAMC có thể thực hiện tốt hơn vai trò, nhưng những gì VAMC thực hiện thời gian qua và thông qua VAMC, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được trở lại vốn vay.

Tuy nhiên, các chuyên gia lĩnh vực tài chính, tiền tệ khẳng định, phải tạo lập các quyền hạn nhất định để VAMC có thể hoạt động được một cách hiệu quả như là khả năng giải quyết tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, cũng như xây dựng thị trường nợ. TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu tăng quyền cho VAMC trong xử lý hành chính, thì việc xử lý nợ xấu mới triệt để.

Nợ xấu BĐS: Ngân hàng tự nguyện thành tù binh

() Cả con nợ lẫn chủ nợ đều chưa muốn “nhả” bất động sản, khi Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua dù nới quyền mua nhà ở cho người nước ngoài, nhưng chưa tạo được sự quan tâm với nhà đầu tư.

Chủ tịch VAMC khẳng định không "mua nợ xếp kho"

() Chủ tịch VAMC khẳng định "mua nợ không phải để cất kho" sau khi có những luồng thông tin cho rằng, VAMC chỉ "mua nợ rồi để đấy".

Phải kiểm soát được tốc độ nợ xấu phát sinh

() Tăng cường kiểm soát nợ công, tích cực xử lý nợ xấu là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, điều quan trọng là phải làm thế nào kiểm soát được tốc độ nợ xấu phát sinh chậm hơn tốc độ xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác