Thành công của việc kiềm chế lạm phát năm 2013 được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Rõ nhất là lạm phát (biểu hiện ở tốc độ tăng giá tiêu dùng - CPI) năm 2013 thấp nhất trong 10 năm qua.
| ||
Tâm lý kỳ vọng lạm phát năm 2013 đã giảm xuống khi lạm phát thực tế thấp hơn mục tiêu, khi giá USD tăng thấp |
Diễn biến trên cho thấy, năm 2013 là năm đầu tiên đã không lặp lại chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp” của 9 năm trước đây.
Việc kiềm chế lạm phát thành công càng có ý nghĩa, khi tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt cao hơn năm trước - tức là đạt được mục tiêu tổng quát do Quốc hội đề ra (tăng trưởng cao hơn), cũng tức là đạt được mục tiêu “kép” của năm bản lề (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn).
Lạm phát được kiềm chế khi lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ vẫn được thực hiện, như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục…
Lạm phát được kiềm chế đã góp phần hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, đối với một số khoản, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên lãi suất đã trở về thời kỳ cách đây 5 - 6 năm.
Thành công trong việc kiềm chế lạm phát do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do chi phí đẩy - yếu tố quan trọng của lạm phát; có nguyên nhân về tâm lý kỳ vọng lạm phát đã giảm xuống khi lạm phát thực tế thấp hơn mục tiêu, khi giá USD tăng thấp, khi giá vàng giảm sâu…
Tuy kiềm chế thành công, nhưng về tư duy điều hành, cần chuyển từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát”.
Với tư duy “kiềm chế lạm phát”, nên về “nhịp độ” lạm phát đã có mấy tháng liền, gần như đã rơi vào tình trạng “thiểu phát”, khi từ tháng 3 đến tháng 7, CPI chỉ tăng 0,09%, tăng chưa tới 0,02%/tháng. Điều đó chứng tỏ vừa chưa bám sát lạm phát mục tiêu, vừa gây hiệu ứng phụ đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là của 2 nhóm ngành kinh tế thực là nông, lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng năm nay đã tăng trưởng thấp hơn hai năm trước. Tình trạng này đã tác động tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh, đã làm cho số doanh nghiệp dù đã “sống sót” qua mấy năm trước, nhưng đến năm nay, vẫn tiếp tục giải thể, ngừng hoạt động cao hơn cả mấy năm trước…
CPI tăng cao vào mấy tháng sau đó, nhưng chủ yếu do điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình giá thị trường - tuy cần thiết và đúng hướng, nhưng do những hàng hóa, dịch vụ này chưa có cơ sở để cạnh tranh, việc giám sát kiểm tra của cơ quan nhà nước còn chưa chặt chẽ, việc minh bạch công khai còn hạn chế, căn cứ để điều chỉnh được đưa ra thường dựa vào “giá ngoại”, việc phối hợp, liều lượng, thời điểm điều chỉnh... chưa được dư luận đồng tình. Năm ngoái, trước Tết Nguyên đán, thường có nhu cầu cao đã điều chỉnh giá điện, năm nay cũng điều chỉnh giá xăng dầu...
Minh Nhung