Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Hà Nội có hơn 2.900 trường học với 2,3 triệu học sinh mầm non và phổ thông - là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Cùng đó, Thủ đô có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học.
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn TP.Hà Nội đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở các trường học. |
Hiện, khó khăn lớn nhất để kết nối nông sản an toàn vào các bếp ăn tập thể là do giá mỗi suất ăn còn thấp; nhiều nhà trường, phụ huynh học sinh chưa thống nhất nâng giá phù hợp đầu vào sản phẩm.
Chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể cũng chưa mạnh dạn đầu tư cho nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe người lao động.
Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm xã hội, thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo chuyển biến mạnh trong sản xuất, tiêu thụ...
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ tháng 8/2024 đến hết tháng 8/2025, toàn thành phố tập trung cao điểm cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học.
Theo đó, bếp ăn tại các nhà trường đều được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn, phòng, chống ngộ độc đối với học sinh và giáo viên.
Cùng với đó, các dịch vụ ăn uống xung quanh trường học cũng cần được các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thành phố đặc biệt chú ý tới các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường. Bởi vì thực phẩm bày bán tại các quán hàng này đều không rõ nguồn gốc, sẽ kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh...
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và quanh cổng trường sẽ được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị, đoàn kiểm tra của các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra đột xuất và hậu kiểm để xem cơ sở khắc phục sai phạm, tồn tại đến đâu.
Từ đó, kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở tồn tại vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến… Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các trường học, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc do người lạ cung cấp.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025, bảo đảm học sinh học tập tốt, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em được toàn ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và không xao nhãng trong bất kỳ thời điểm nào.
Các trường đều có phòng y tế được trang bị đầy đủ trang thiết bị, danh mục thuốc và nhân viên y tế có chuyên môn tốt làm nhiệm vụ, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố.
Để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong và ngoài cổng trường, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, việc chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh đang được các trường học trên địa bàn thành phố đặc biệt chú trọng.