Phiên chất vấn được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội |
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân
Từng nằm trong danh sách dự kiến trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi đó chưa được chọn lên “ghế nóng”.
Lần này, trong nhóm vấn đề dành cho người đứng đầu ngành tư pháp vẫn có giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Tại báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình.
Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao.
Theo Bộ trưởng, kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà cơ quan tham mưu trực tiếp là các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, đã tiếp tục thể chế hóa một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác pháp luật, tư pháp. Kết quả này đã góp phần quan trọng, trước mắt và lâu dài vào công cuộc kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu một số hạn chế, như chất lượng một số dự án luật chưa cao. Còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành.
Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long đề cập việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.
Bên cạnh đó là giải pháp chú trọng việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng Lê Thành Long xác định là Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao chất lượng thẩm định thông qua việc phát huy cơ chế hoạt động của các hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định. Đặc biệt, cần thu hút sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho các nhóm lợi ích, các hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học uy tín.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức pháp chế của bộ, ngành; bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật; chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ này.
Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn.
Quy trình soạn thảo cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật.
Để hoạt động lập pháp chuyên nghiệp, độc lập
Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật cũng là vấn đề được các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất quan tâm từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.
Tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023), khi thảo luận về Chương trình Xây dựng luật năm 2024, một số vị đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn "cài cắm" lợi ích.
Khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội nhất trí với ý kiến cử tri là cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay từ khâu soạn thảo các dự án luật.
Nghiên cứu sâu về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng chống lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận, đối với cơ quan lập pháp, nhóm lợi ích có thể tác động tới quá trình hoạch định chính sách và giám sát việc thực thi chính sách.
Theo ông Cường, khả năng tác động vào hoạt động lập pháp hoàn toàn có thể xảy ra thông qua việc vận động không chính đáng vào việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua chính sách trong các dự án luật, nghị quyết, việc vận động phát biểu, chất vấn, vận động bỏ phiếu, bầu cử...
Do đó, việc đề cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật là cần thiết.
Về giải pháp, ông Cường cho rằng, để nhận diện lợi ích nhóm trong chính sách, pháp luật thì đối với mỗi chính sách cần làm rõ: Chính sách đó làm lợi cho ai? Có tiêu cực trong xây dựng, thông qua chính sách không?
Cụ thể là, cần trả lời các câu hỏi: Chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, theo đúng quy trình không, có biểu hiện “mờ ám”, tiêu cực không? Có vì lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia, dân tộc không, hay lợi ích của một nhóm người? Nếu chỉ làm lợi cho một số người, thì lợi ích đó có chính đáng không?
Nhiều nội dung trong các câu hỏi trên sẽ được làm sáng tỏ thông qua báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Điều đó đòi hỏi báo cáo này cần được xây dựng có chất lượng, các chính sách cần phải được đánh giá kỹ về tác động tới ngân sách, môi trường đầu tư, kinh doanh; tới tổ chức bộ máy nhà nước; tính khả thi, hiệu quả của chính sách; tác động về chi phí - lợi ích khi thực hiện chính sách.
Một trong những vấn đề đặt ra trong phòng chống tham nhũng chính sách, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, nên cần phải coi kết quả hoạt động xây dựng pháp luật, chất lượng luật được xem xét, thông qua là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật.
Để hoạt động lập pháp chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong việc xem xét, quyết định các chính sách, ông Cường cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và giảm số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Cũng được chọn đăng đàn trả lời chất vấn trong ngày 15/8 là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với một trong các vấn đề là giải pháp gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.
Trước việc EC khẳng định không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép, ông Hoan đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ nhằm gỡ “thẻ vàng”. Đó là sẽ thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, từ nay trở đi, không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Theo dự kiến, sáng nay (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp thứ 25. Ngoài hoạt động chất vấn, còn nhiều nội dung quan trọng khác được đặt lên bàn nghị sự, trong đó có việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, nghe báo cáo kết quả giám sát abước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.