Sốt đất tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế
Trao đổi tại buổi họp báo chiều tối ngày 31/3 diễn ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, bên cạnh các thông tin tích cực về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2021, còn nhiều vấn đề cần quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, mà trong đó, ông đặc biệt lưu ý tới hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực, "tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế".
Họp báo Chính phủ chiều 31/3 (Ảnh: Nhật Bắc) |
Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh vấn đề này khi nhận định rằng, nguồn vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
"Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quang Hiếu) |
Kiểm soát tín dụng, quản lý việc cấp đất chặt chẽ
Trao đổi với các phóng viên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ, bởi việc dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quan tâm trong hoạt động điều hành của NHNN.
Ông Tú cũng cho biết, NHNN thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo ổn định, cũng như có những dấu hiệu hụt dòng trong đầu tư quá lớn.
Tính đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay. "Tín dụng cho bất động sản tăng 2,13% là tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế nói chung", ông Tú nói.
Theo Phó Thống đốc, vốn tín dụng đổ vào bất động sản phân thành 2 lĩnh vực, một là kinh doanh, đầu cơ bất động sản, nhắm vào phân khúc cao cấp, khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư trong tương lai không cao. "Đây là những đối tượng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng", ông khẳng định.
Đối với nhóm "tiêu dùng bất động sản" như nhà cho người thu nhập thấp, phân khúc giá rẻ, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân được giao cho các ngân hàng thương mại chăm sóc, triển khai.
Cho rằng con số 2,13% tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản không nằm ở tất cả mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng, nhưng Phó Thống đốc khẳng định, NHNN đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Đưa ra giải pháp mang tính dài hạn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất.
Nêu tình trạng các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng diện tích đất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên thực tế, nhiều dự án có diện tích sử dụng đất lớn được lập ra với mục đích chiếm dụng đất, trông chờ chênh lệch địa tô, bán lại dự án, không phải mục đích đầu tư phát triển... cản trở đến hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế của các địa phương.
"Do vậy, cần phải thực sự tiết kiệm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc cấp đất, sử dụng đất cho các dự án; cấp đất phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng thực tế triển khai gắn với các điều kiện nhất định về tiến độ, kết quả thực hiện dự án, nghĩa vụ với nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Việc cấp và giao đất phải được thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông Dũng lưu ý.