Sáng 7/10, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cùng Đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc với bà Helen Brand, Tổng giám đốc Hiệp hội Kế toán và Công chứng Anh quốc (ACCA) toàn cầu tại Trụ sở ACCA ở London.
“ACCA rất vui mừng có cơ hội chúc mừng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm thành lập và buổi gặp mặt đã nhận được những bài trình bày xuất sắc từ cả hai bên chia sẻ kiến thức và hiểu biết nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi rất vui khi cam kết tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ACCA và Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong những năm tới, khi chúng ta hướng tới việc hợp tác trong những vấn đề then chốt như đảm bảo tính bền vững”, bà Helen Brand, Tổng Giám đốc ACCA, chia sẻ.
ACCA là một trong những đối tác quan trọng của Kiểm toán nhà nước Việt Nam. Hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác ngày 13/01/2009, ký lại lần thứ nhất ngày 14/4/2014 và ký Biên bản ghi nhớ ngày 18/7/2019.
Từ khi ký kết Thỏa thuận hợp tác, Biên bản ghi nhớ, Kiểm toán nhà nước Việt Nam và ACCA đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hợp tác dưới các hình thức khác nhau, góp phần tăng cường hỗ trợ hai bên trong lĩnh vực chuyên môn và quảng bá hình ảnh với bạn bè quốc tế.
Khẳng định ACCA là đối tác tin cậy của Kiểm toán nhà nước Việt Nam với nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả từ khi hai bên ký Thoả thuận hợp tác năm 2009, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chia sẻ rằng: “Trong Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2030, Kiểm toán nhà nước Việt Nam mong muốn được hợp tác với ACCA về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những trụ cột phát triển quan trọng. Chúng tôi kỳ vọng ACCA sẽ tiếp tục hỗ trợ kiểm toán nhà nước trong việc đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là trong kiểm toán quốc tế và môi trường. Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 và mong muốn ACCA sẽ hỗ trợ Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán các quỹ tài chính quốc tế để hoàn thành tốt vai trò mới này”.
Quang cảnh buổi làm việc với ACCA (Ảnh: CTV) |
Bên lề buổi tiếp xã giao, đoàn công tác Kiểm toán nhà nước Việt Nam và ACCA đã có buổi tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyên môn sâu hơn về kiểm toán môi trường và phát triển bền vững.
Đại diện ACCA toàn cầu trình bày tham luận với chủ đề “Ngành nghề kế toán vì một thế giới tốt đẹp hơn”, chia sẻ việc tạo và sử dụng thông tin liên quan đến tính bền vững sẽ giúp tất cả các tổ chức, nhà cố vấn và các bên liên quan xác định, quản lý rủi ro, tạo ra cơ hội liên quan đến phát triển bền vững một cách tốt hơn nữa.
“Hợp tác hiệu quả giữa các nhà quản lý cấp cao, chuyên gia công nghệ, nguồn nhân lực, các cơ quan phát triển tài năng và các kế toán viên chuyên nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng. Đặc biệt, kế toán viên chuyên nghiệp cần phải là những người thực hành đạo đức trong việc tạo và sử dụng thông tin bền vững”, đại diện phía ACCA nhấn mạnh.
Chu trình 8 giai đoạn để tạo ra thông tin liên quan đến tính bền vững được ACCA chia sẻ bao gồm Phân bổ trách nhiệm Báo cáo bền vững; Thiết lập bối cảnh báo cáo; Xác định thông tin liên quan đến các nhân tố bền vững cần được báo cáo; Xác định các yêu cầu về dữ liệu; Thu thập dữ liệu; Báo cáo dựa trên dữ liệu thu thập được; Đối tượng thực hiện gồm kế hoạch, công nghệ, nhân lực; và Xác minh và liên tục cải tiến.
“ACCA cam kết trong việc phát triển năng lực sáng tạo và sử dụng thông tin liên quan đến tính bền vững. ACCA sẽ tiếp tục nỗ lực thông qua nghiên cứu chính sách, giáo dục và trình độ chuyên môn trong các chủ đề như ra quyết định cải tiến, tuân thủ quy định, quản lý rủi ro và lập kế hoạch chiến lược, đồng thời xác định trách nhiệm đạo đức và kết nối phù hợp với các mục tiêu bền vững toàn cầu.”
Về phía Kiểm toán nhà nước Việt Nam, ông Phạm Thành Ngọc, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành III với tham luận “Việc áp dụng các thông lệ phổ biến trong xây dựng Hướng dẫn kiểm toán môi trường”, đã chia sẻ về quá trình thực hiện kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững và những khó khăn, thách thức Kiểm toán nhà nước Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán chiến lược; thực hiện một cuộc kiểm toán môi trường theo loại hình kiểm toán hoạt động; xây dựng cơ sở dữ liệu và ngân hàng chủ đề kiểm toán; kinh nghiệm, phương pháp và quy trình hướng dẫn thực hiện kiểm toán trong một số chủ đề môi trường.