Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kinh tế - xã hội cũng đang đối mặt với những thách thức, rủi ro không nhỏ. |
Trong các báo cáo gần đây của Chính phủ, điều này đã được nhấn mạnh. Thậm chí, khi thẩm tra các báo cáo kinh tế của Chính phủ, cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều đánh giá cao sự kiên định của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép.
Nhờ sự kiên định đó, đợt dịch Covid-19 thứ tư đang dần được kiểm soát. Chính phủ cũng rất nỗ lực trong đàm phán, mua vắc-xin, thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 để có thể thực hiện một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Nhờ sự kiên định đó, kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả tích cực. Không chỉ kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, mà cả thị trường tiền tệ, ngoại hối đều ổn định.
Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước trong 5 tháng đã đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao khi 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020…
Tất nhiên, tình hình còn rất khó khăn. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kinh tế - xã hội cũng đang đối mặt với những thách thức, rủi ro không nhỏ. Dự báo, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 5,8%, tức thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản (6,22%) đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản (tăng 5,92%) Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021.
Điều này đang tạo áp lực lên những tháng cuối năm nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6% như Nghị quyết của Quốc hội, hay 6,5% như quyết tâm của Chính phủ. Trong quý III và quý IV, nếu không nỗ lực để đẩy tốc độ tăng trưởng lên cao hơn kịch bản đề ra, thì nguy cơ có thể sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng.
Hơn thế, câu chuyện hiện thời không chỉ là làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, mà còn phải sẵn sàng các biện pháp ứng phó cho nền kinh tế trong bối cảnh phải sống chung với Covid-19. Khi chưa thể tạo miễn dịch cộng đồng, thì không loại trừ khả năng sẽ xảy ra những đợt dịch tiếp sau.
Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quan trọng khi giờ đây quyết định chủ động tấn công, ngăn chặn dịch bệnh bằng vắc-xin, bằng biện pháp 5K.
Bối cảnh mới, điều kiện mới đòi hỏi phải có cách ứng xử mới. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, kiên định “nhiệm vụ kép” là mục tiêu tối thượng. Ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công Covid-19 có thể nói là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế những tháng cuối năm. Ngược lại, kinh tế phát triển, thì mới có nguồn lực để chống dịch.
Nói chống dịch để sản xuất - kinh doanh và kinh doanh để phục vụ chống dịch hiệu quả là vì vậy. Cả hai nhiệm vụ này đều quan trọng, không thể lơ là hay nghiêng về bên nào.
Một bài toán vô cùng khó, tưởng chừng mâu thuẫn nhau, nhưng khi cả hệ thống chính trị cùng kiên định, cùng đồng lòng thực hiện, thì đất nước sẽ vượt qua mọi khó khăn.