Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2021. |
Cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa
“Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, nhất là tác động bùng phát dịch của các nước có chung đường biên giới, trong dịp nghỉ lễ cuối tháng 4, đã xuất hiện các ca lây nhiễm cộng đồng tại một số địa phương. Theo đó, việc hoàn thành mục tiêu kép trong năm 2021 còn nhiều rủi ro, thách thức”. Đó là nhận định được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra trong phiên họp thường kỳ tháng 4/2021 (phiên họp thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng có xu hướng phục hồi nhanh, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, thu ngân sách khả quan.
Tình hình sản xuất - kinh doanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là “có dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ”. Tính chung 4 tháng, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 86.000 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua và tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD.
“Tuy nhiên, mức độ rủi ro, bất định còn cao; số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng chưa ổn định; thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết nối cung cầu lao động, bảo đảm an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình đang đòi hỏi cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa để khống chế dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 5 và các tháng tiếp theo là tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án đầu tư
Kiến nghị về định hướng điều hành kinh tế vĩ mô nhằm hoàn thành mục tiêu kép, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, hợp lý để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Thủ tướng giao Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, đô thị…, đề xuất các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án đầu tư trong cả nước.
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được sự đồng tình từ PGS-TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR). Ông Việt cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
“Chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”, ông Việt nhận định.
Về chính sách thuế, chuyên gia của VEPR cho rằng, việc giãn, giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT, thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.