Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, vừa qua số lượng F0 tăng rất nhanh trong cùng một thời điểm đã gây quá tải cho hệ thống y tế.
Xác định dịch Covid-19 sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn, do vậy các biện pháp chung sống an toàn đang được đặt ra. |
Từ thực tế đó, chuyên gia kiến nghị cần tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm số ca tử vong, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.
Đặc biệt, tại những địa phương bị dịch nhiễm sâu và nặng như TP.HCM, một phần của Bình Dương, Đồng Nai, Long An, phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt như những nơi bị lây nhiễm nặng nhất trên thế giới, tương tự như các nước phát triển.
Để chung sống an toàn với dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng phải tiêm vắc-xin phòng cơ bản 100% trường hợp theo quy định của Bộ Y tế để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.
Với dân số 100 triệu người, Việt Nam phải tự chủ được cơ bản về các công nghệ liên quan đến xét nghiệm, thuốc điều trị, vắc-xin.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, cơ quan Trung ương cần chuẩn bị lực lượng cơ động về xét nghiệm, điều trị, sẵn sàng chi viện cho các địa phương tùy diễn biến dịch bệnh.
Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cũng được nhấn mạnh nhằm tiến tới nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới.
Chiến lược phòng, chống dịch giai đoạn mới cũng phải có các biện pháp, quy định cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự cho người dân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K và có những điều chỉnh tích cực để hình thành các mô hình chung sống an toàn; thực hiện giãn cách xã hội thực chất khi cần thiết để làm chậm chuỗi lây nhiễm.
Nhấn mạnh vai trò của y tế dự phòng, theo ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện công cộng cho rằng trong bối cảnh chuẩn bị sống chung với dịch, Việt Nam cần làm mọi cách để kiểm soát được tình hình.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn phải làm tốt công tác dự phòng. Tùy địa phương, chúng ta cần có mục tiêu, mục đích và tiêu chí khác nhau về việc giãn cách hay nới lỏng.
Tuy nhiên, điều cốt lõi là phải kiểm soát được dịch. Phương châm hàng đầu là không để người mắc Covid-19 diễn biến nặng, phải nhập viện, gây quá tải hệ thống y tế và tử vong.
Cũng như nhiều chuyên gia khác, ông Phu cho rằng việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất để giúp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỉ lệ tử vong do mắc Covid-19 sẽ giảm.
Dẫu vậy, khi tỉ lệ tiêm chủng còn chưa cao, các địa phương vẫn phải làm tốt tất cả biện pháp nhằm phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Theo đó, toàn dân phải phải thực hiện tốt 5K và xây dựng lối sống an toàn, cơ quan an toàn, nhà máy an toàn, phường, xã, quận, huyện an toàn, bảo vệ vùng xanh. Ngoài ra, mỗi địa phương, đơn vị phải có phương án an toàn, tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng khi nới lỏng giãn cách mới có thể đảm bảo an toàn bền vững.
GS.TS.Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y thì cho rằng khi xây dựng chiến lược phòng chống dịch Covid-19 mới cần huy động lực lượng từ cấp xã, phường để xây dựng mạng lưới ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Về công tác điều trị, ông Đỗ Tất Cường, Phó chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, chống độc Việt Nam, đề nghị tăng cường năng lực điều trị ngay từ những tầng dưới, phát huy tối đa mạng lưới y tế cơ sở, giảm tỉ lệ diễn biến nặng phải chuyển lên các tầng cao hơn.
“Từ những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, thời gian tới việc điều trị sẽ phải theo hướng giảm số ca chuyển nặng, giảm tử vong cũng như tối ưu hoá nguồn lực y tế hiện có”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nêu.
Hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.186 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Ở Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”, đảm bảo chung sống an toàn với dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu kép, Bộ Y tế xây dựng và ban hành cuốn “Sổ tay hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại công đồng trong trạng thái bình thường mới”.
Tài liệu này sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân có được những nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn, súc tích, dễ thực hiện trong phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia các hoạt động thường ngày trong cộng đồng.