Để phục hồi và phát triển nền kinh tế thì tiền bạc là quan trọng. Nhưng điều còn quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. Thể chế tốt có thể khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì “có tiền cũng không tiêu được”, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm trong phát biểu trước Quốc hội, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng ngày 1/11/2023.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội, phát biểu tại Hội trường sáng 1/11/2023 |
Với quan điểm này, ông Lộc nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh những cải cách thể chế, để đơn giản hoá các thủ tục hành chính, khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện.
“Theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thủ tục đang trở nên nặng nề hơn trong mấy năm qua”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Lộc tiếp tục nhắc đến yêu cầu phải gỡ bỏ cho được tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ công chức cũng như doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi của các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế. Chúng ta cũng cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm và không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Để có tính pháp lý cao cần phải luật hoá các quy định về vấn đề này”, ông Lộc đề xuất.
Làm rõ, ông Lộc phân tích, trong thời kỳ khủng hoảng thì giải pháp kinh điển, trực diện và có thể phát huy hiệu quả nhanh nhất là bơm tiền vào nền kinh tế. Các quyết định bơm tiền đã được Quốc hội ban hành, nhưng việc triển khai thực hiện đang gặp rất nhiều trở ngại.
“Và đi vậy, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay, mà chúng ta cần quan tâm giải quyết chính là tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Chừng nào vẫn còn tình trạng này, thì chừng đó chúng ta khó có thể hy vọng vào sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian tới”, đại biểu bày tỏ quan điểm.
Đặc biệt, ông Lộc đặt vấn đề thể chế trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể trở thành điểm đến tin cậy cho các cuộc đối thoại hòa bình và các dòng chảy thương mại và đầu tư có chất lượng cao trong nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ ngành công nghiệp chip bán dẫn, mà nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, du lịch, dịch vụ và an sinh xã hội… cũng đều có cơ hội phát triển bùng nổ.
“Để tận dụng tốt cơ hội này, sự chuẩn bị của chúng ta về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định...Về thể chế, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta cần có chiến lược và chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới, để không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa và hội nhập, mà các ngành công nghiệp chủ lực của chúng ta như ô tô, điện tử, dệt may, da giày, thậm chí cả nền nông nghiệp… của chúng ta về cơ bản, vẫn chỉ dừng lại ở công đoạn lắp ráp, gia công”, đại biểu nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả trong những ngành công nghiệp đỉnh cao và có tiềm năng, như chip bán dẫn, mà trong thời gian 10-15 năm tới Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói… thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển.
Ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội sớm các đề án về việc vươn lên các phân khúc cao trong các chuỗi cung ứng toàn cầu tiến tới dẫn dắt, làm chủ một số chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực.
“Đó là thách thức rất lớn với chúng ta. Và để làm được điều này rất cần có những quyết sách chiến lược ở tầm quốc gia của cả Quốc hội và Chính phủ”, ông Lộc đề xuất.