Đại biểu Đoàn Thị Hảo, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên |
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được khởi công năm 2007, nhưng đến năm 2013, dự án phải tạm dừng thi công do gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn. Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao.
Mặt khác, hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài đã phát sinh tranh chấp phức tạp, vượt quá thẩm quyền xử lý của gang thép Thái Nguyên và Tổng công ty Thép Việt Nam.
Trong khi đó, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn I được vận hành từ năm 2009, đến nay đang hoạt động rất hiệu quả, duy trì việc làm ổn định cho 4.000 lao động.
Năm 2021, mức lương bình quân của người lao động đạt gần 13 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách đạt trên 453 tỷ đồng, vượt 71% so với kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt trên 150 tỷ đồng, bằng 3 lần kế hoạch năm.
Tuy nhiên, trong phần phát biểu tại Hội trường, đại biểu Đoàn Thị Hảo cho biết một phần lợi nhuận từ hoạt động sản xuất của gang thép Thái Nguyên giai đoạn I vẫn đang phải sử dụng để thực hiện việc cân đối các khoản vay của dự án mở rộng giai đoạn II, trong đó có các khoản nợ quá hạn, có khoản vay đã chuyển nhóm 5, tính lãi phạt và lãi trên lãi.
“Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có các giải pháp khôi phục lại gang thép Thái Nguyên giai đoạn II. Đề nghị Quốc hội tổ chức khảo sát quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp tại Công ty Gang thép Thái Nguyên”, bà Đoàn Thị Hảo kiến nghị trực tiếp.
Lý do, theo bà Hảo, một số khó khăn chủ yếu của gang thép Thái Nguyên có thể không phải là phổ biến nên rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù.
Với Chính phủ, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị các bộ, ngành trung ương xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" như quan điểm Nghị quyết 68 của Chính phủ ngày 12/5 vừa qua.
Với các vấn đề của Gang thép Thái Nguyên, bà cho rằng, cần xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng với nhà thầu nước ngoài, xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay khi dự án đi vào sản xuất để bảo toàn nguồn vốn và giá trị tài sản Nhà nước đã đầu tư, cùng với đó là ổn định đời sống của 4.000 lao động và hàng nghìn gia đình.
“Tôi đề xuất vấn đề này vì hiện tại gang thép Thái Nguyên đang có một hệ thống cơ sở vật chất nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đồng bộ đã được đầu tư từ giai đoạn I hiện đang hoạt động có hiệu quả. Tại đây có nguồn tài nguyên khoáng sản tại chỗ phong phú là các mỏ than mỡ, quặng sắt với trữ lượng cho phép khai thác lâu dài, giúp chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Gang thép Thái Nguyên còn có nguồn nhân lực hết sức quan trọng, với một lực lượng, các chuyên gia, kỹ sư, người lao động lành nghề, giàu kinh nghiệm...”, bà Hảo phân tích.