Tuyệt đối không để vượt trần 2 triệu tỷ đồng
Ông Hiển nhấn mạnh, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đảm bảo nguyên tắc cân đối được nguồn lực toàn giai đoạn, tuyệt đối không để vượt trần 2 triệu tỷ đồng. Trong số tiền 2 triệu tỷ đồng này không bao gồm nguồn tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương và nguồn vốn để lại đầu tư cho PVN và Viettel.
. |
“Đầu tư công trong thời gian còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 phải bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ. Theo đó ưu tiên cho thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản phát sinh trước 31/12/2014; tập trung cho các công trình đang thực hiện dở dang, thiếu vốn nhằm hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng, tránh kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí; cân đối cho các dự án ODA đã ký kết được hưởng lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn đầu tư cần ưu tiên cho những dự án thực sự cấp bách, phải khắc phục được tính dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, mang tính lan tỏa, kết nối vùng miền, đặc biệt tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”, ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, với cách phân bổ nguồn vốn này, trong cả giai đoạn 2016-2020 sẽ giữ được bội chi ngân sách nhà nước (3,9% GDP) và giữ vững được an toàn nợ công.
Đánh giá về triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 3 năm vừa qua (2016-2018), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, triển khai Luật Đầu tư công, đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, quan trọng trong công tác quản lý đầu tư công. Lần đầu tiên có bước đổi mới mang tính đột phá trong việc thay đổi căn bản phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển, chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch đầu tư hằng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hằng năm, đồng thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính trong việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án gắn với thẩm định nguồn và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, đảm bảo cân đối vĩ mô, an toàn nợ công.
“Qua 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công và Nghị quyết 26/2016/QH14, với sự chủ động tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, cân đối tài chính vĩ mô được giữ vững. Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và cân đối nguồn lực, phân bổ vốn để triển khai thực hiện”, ông Hải phát biểu.
Cũng theo ông Hải, mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đã đạt được kết quả bước đầu khá tích cực. Việc cân đối tổng thể nguồn lực đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 được xác định rõ ràng, tạo chủ động cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong cân đối nguồn lực đầu tư từ ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển. Cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư phát triển có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách các năm 2016-2018 tăng lên mức 26-27% vượt mục tiêu đặt ra là 25-26%. Cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được điều chỉnh phù hợp hơn. Hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội bước đầu tăng lên, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017.
Giảm vốn nhà nước dành dư địa cho thành phần kinh tế khác đầu tư
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lục của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện về đầu tư công trung hạn 2016-2020 góp phần quan trọng trong việc cơ cấu lại lại đầu tư công góp phần khắc phục dần tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc như trước đây. Tỷ trọng đầu tư công/GDP chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra. Tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước giảm xuống còn 34,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương với 11,6% GDP nhằm dành dư địa cho các thành phần kinh tế khác đầu tư”, ông Hiển đánh giá.
Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết 26/2016/QH14 và Luật Đầu tư công, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung và đầu tư công nói riêng được cải thiện một bước và bước đầu đã khắc phục được tình trạng quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ vào khả năng cân đối vốn, giảm được nợ đọng xây dụng cơ bản; quản lý chặt chẽ vốn ứng trước, khắc phục được tình trạng phân bổ kế hoạch vốn chậm.
Đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong việc triển khai Luật Đầu tư công và Nghị quyết 26/2016/QH14, tuy nhiên, ông Hiển cũng chỉ ra khá nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém đã phát sinh ngay khi triển khai kế hoạch, trong đó có việc cân đối nguồn vốn ODA ngay khi phân bổ nguồn vốn đã phát hiện ra còn thiếu so với nhu cầu đầu tư tối thiểu.
Nghị quyết 26/2016/QH14 bố trí vốn ODA trong giai đoạn đầu tư công trung hạn là 300 ngàn tỷ đồng, sau khi tính toán lại, hiện số vốn này còn thiếu khoảng 60 ngàn tỷ đồng. “Để xử lý vấn đề này, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 điều chỉnh sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nâng mức vốn đầu tư các dự án ODA lên 360 ngàn tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu giải ngân cho các dự án ODA đã ký kết hiệp định vay vốn với nhà tài trợ nước ngoài có trong Danh mục đầu tư công trung hạn, bố trí vốn cho các dự án chưa nằm trong Danh mục nhưng hiệp định vay vốn đã được ký kết và bảo đảm đủ nguồn vốn cho các hiệp định vay vốn sắp ký kết trong thời hạn Việt Nam chưa tốt nghiệp hoàn toàn ODA”, ông Hiển nhấn mạnh.
Mặc dù nâng vốn ODA thêm 60 ngàn tỷ đồng, nhưng ông Hiển khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn trình Quốc hội kiên quyết giữ tổng mức đầu tư công cho cả giai đoạn là 2 triệu tỷ đồng. Số tiền bố trí tăng cho ODA sẽ cơ cấu với nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong nước bảo đảm không vượt quá trần nợ công.