- Doanh nghiệp muốn đối thoại với các bộ về điều kiện kinh doanh
- Lo ngại khả năng “cài cắm” điều kiện kinh doanh mới
- Điều kiện kinh doanh 8 không, doanh nghiệp lại lo
- Thủ tướng: Nghiêm cấm ban hành giấy phép con làm khó doanh nghiệp
- Thủ tướng chỉ đạo "chặn" giấy phép con hoành hành: Tiếp tục cuộc chiến cân não
Thủ tướng Chính phủ: Xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách
Cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016 ngày hôm qua (23/6) đã trở thành tâm điểm thu hút giới doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế và truyền thông, khi ngay lời phát biểu mở đầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt nguyên tắc rất rõ của phiên họp này.
“Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, DN, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Quy định diện tích tối thiểu cho sàn giao dịch bất động sản là vấn đề đang còn nhiều tranh cãi. Ảnh: Đức Thanh |
Với các quy định về điều kiện kinh doanh, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới mà phải nhận thức rõ giải pháp giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, tạo động lực phát triển mới.
Đây có thể là buổi cuối Chính phủ bàn về các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư trước khi ký và ban hành, kịp có hiệu lực vào ngày 1/7 tới. Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục giữ vững thái độ quyết liệt, thực hiện đúng các cam kết với DN về vấn đề này.
Nhưng, vẫn phải nhắc lại cuộc tranh luận nảy lửa một ngày trước đó (22/6) tại Văn phòng Chính phủ giữa 17 bộ, ngành với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Hai đơn vị này được đặt ở vị trí đại diện DN và phản biện độc lập.
Sau cuộc họp này, đại diện của cả VCCI và CIEM đều hứng khởi với cách làm việc mà họ gọi “chưa từng có”, khi lần đầu tiên được phản biện và được nghe các bộ giải trình trực tiếp tới 50 dự thảo nghị định trong vòng một ngày rưỡi. Hơn thế, cuộc làm việc này do đích thân Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triệu tập.
Chính việc phải có cuộc họp này cho thấy, nỗi lo “hậu ngày 1/7” mà các DN đã cảnh báo, dù giảm đi theo hướng tích cực, nhưng vẫn tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Thông thường, các cuộc họp ở Chính phủ về các dự thảo nghị định trước khi ký chính thức chỉ để giải quyết một vài nội dung chưa thống nhất. Còn lần này, VCCI đã có tới 311 kiến nghị. CIEM có 65 kiến nghị cụ thể. Đáng nói là, trong khá nhiều kiến nghị bảo lưu từ các bộ, ngành, trách nhiệm giải trình vẫn chưa rõ ràng.
Sẽ rất khó thuyết phục DN đồng tình, diện tích tối thiểu 50 m2 cho sàn giao dịch bất động sản là cần bảo lưu để tiếp tục áp dụng khi Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy giải trình là giao dịch bất động sản bằng hồ sơ giấy tờ nhiều, không thể qua mạng, nên cần có không gian thực hiện…
Hay như lý do bảo lưu dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư là hoạt động kinh doanh có điều kiện mà Thứ trưởng Duy đưa ra phải quy định thì mới có căn cứ để kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên môn...
Thậm chí, để bảo vệ quan điểm nhượng quyền thương mại là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa trong cuộc họp trên lý giải rằng, hoạt động này có trong Luật Thương mại, nhưng chưa có nghị định hướng dẫn, nên cần có nghị định... Thậm chí, bà Thoa cho rằng, quy định này không ảnh hưởng đến các DN trong nước, là để bảo vệ DN trong nước, nên “nếu không cần bảo vệ thì bỏ”.
Những cách bảo lưu kiểu này, đáng tiếc là không hiếm.
Vẫn cần đối thoại
Ngay trong cuộc họp trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đồng tình với ý kiến của VCCI về việc tổ chức cuộc đối thoại giữa Bộ Công thương với các DN trong lĩnh vực ô tô, kinh doanh khí, dệt may và kinh doanh phân bón. Văn phòng Chính phủ sẽ chứng kiến cuộc đối thoại này.
“Chủ trương của Chính phủ là bỏ độc quyền ngoại thương, các DN được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu. Quy định chỉ định chính hãng cũng bỏ. Tạo ra các quy định về quy mô là độc quyền, bóp chết DN nhỏ và vừa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra quan điểm.
Cũng phải nói thêm, Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương được sửa đổi từ 8 nghị định, nâng cấp 23 thông tư cho tới cuộc họp này vẫn nhận được rất nhiều ý kiến phản biện trái chiều, kể cả Bộ Tư pháp.
Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM còn thẳng thắn đặt câu hỏi rằng, tại sao là cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm soát độc quyền, khuyến khích cạnh tranh mà lại soạn thảo các văn bản với tư duy hạn chế kinh doanh, độc quyền quá nhiều.
“Đề nghị cần xem xét tách cơ quan quản lý độc quyền ra khỏi Bộ Công thương để giám sát cả Bộ Công thương, đẩy mạnh kiểm soát cạnh tranh bình đẳng”, ông Cung nói.
Cả CIEM và VCCI đều đang đề xuất bãi bỏ Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương (quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống; bãi bỏ tạm nhập tái xuất ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện…; bãi bỏ các quy định về kho bãi, quy mô…).
“Tại sao cứ đòi hỏi doanh nghiệp to đùng khi mà họ không thấy cần thiết. Quy định này mang nặng tính kế hoạch hóa tập trung, áp đặt một cách thức kinh doanh cho nhiều DN, khiến doanh nghiệp thui chột, không thể sáng tạo được”, ông Cung phản biện.
Rõ ràng, câu trả lời ở đây chỉ có thể là tư duy quản lý nhà nước với DN trong các bộ, ngành.