Cụ thể, ngày giao dịch không hưởng quyền là 5/11/2021. Ngày đăng ký cuối cùng là 8/11/2021.
Thời gian họp đại hội cổ đông bất thường của Kienlongbank là tháng 12/2021 tại 40-42-44 Phạm Hồng Thái, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Nội dung họp cổ đông bất thường lần này của Kienlongbank là bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2022. Các nội dung khác thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông và Kienlongbank sẽ thông báo đến cổ đông sau.
Tài liệu họp ĐHĐCĐ dự kiến được công bố trên website Kienlongbank trước ngày họp ĐHĐCĐ và được gửi trực tiếp cho cổ đông ngay tại phiên họp cổ đông bất thường.
Mới đây, HĐQT Kienlongbank đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của bà Trần Tuấn Anh kể từ ngày 15/10/2021 theo nguyện vọng cá nhân.
Sau khi thôi giữ chức danh Tổng giám đốc, bà Trần Tuấn Anh tiếp tục công tác tại Kienlongbank với chức danh Thành viên HĐQT Kienlongbank.
Cùng ngày 15/10, HĐQT Kienlongbank cũng đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Trần Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc giữ chức danh quyền Tổng giám đốc kể từ ngày 15/10/2021.
Trước đó, vào giữa tháng 9/2021, HĐQT Kienlongbank đã bổ nhiệm ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunshine giữ chức vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng từ ngày 20/9/2021 đến 19/9/2022.
Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Tuấn đã lập tức đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu KLB nhằm nâng sở hữu lên 15,9 triệu cổ phiếu, tương đương 4,913% vốn điều lệ của Kienlongbank.
Một nhân vật khác cũng có gốc gác từ Sunshine Group là bà Trần Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank đang sở hữu hơn 15,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,72% vốn điều lệ.
Như vậy, hai cá nhân liên quan đến Sunshine Group đang sở hữu trực tiếp 27,6 triệu cổ phần Kienlongbank, tương đương 8,55% vốn ngân hàng này.
Ngày 29/10, Kienlongbank chốt quyền trả cổ tức năm 2020. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 100:13, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 13 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ của ngân hàng.
Hiện vốn điều lệ của Kienlongbank là 3.236 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 3.653 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, cả thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ của Kienlongbank đều ghi nhận kết quả khả quan khi tăng 92% và gấp 3,3 lần cùng kỳ, đạt lần lượt 1.518 tỷ đồng và 180 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng tín dụng của Kienlongbank giảm 36%, chỉ còn trích 53 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế gần 879 tỷ đồng và 664 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ.
Như vậy, 9 tháng, Kienlongbank đã thực hiện được gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2021.
Một yếu tố khác giúp lợi nhuận của Kienlongbank tăng mạnh trong thời gian qua đó là trong quý I/2021, Ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay được bảo đảm bằng cổ phiếu Sacombank. Đây cũng là nhân tố chính giúp Ngân hàng giảm tới 63% tổng nợ xấu đến cuối tháng 9, chỉ còn hơn 697 tỷ đồng.
Đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Kienlongbank tăng mạnh hơn 32% lên 75.741 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là 34.923 tỷ đồng, tăng 1% so đầu năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt trên 45.700 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm nay.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của Kiên Long tăng 32% so với đầu năm, lên mức 75,740 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tiền mặt tăng 57% (1.183 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN giảm 29% (còn 2,468 tỷ đồng), tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác gấp 2.3 lần đầu năm (27.672 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng khoảng 1% (34.922 tỷ đồng)…
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/11, cổ phiếu KLB của Kienlongbank đứng tại mốc tham chiếu 24.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 3% trong tuần qua.