Như vậy, so với con số kiều hối chảy về TP.HCM năm 2020 là 6,1 tỷ USD thì 11 tháng từ đầu năm 2021, kiều hối về Thành phố đã vượt 100 triệu USD, bất chấp làn sóng Covid-19 thứ 4 diễn biến phức tạp.
Cũng theo ông Minh, lượng kiều hối vẫn đang tiếp tục chuyển về nên dự kiến cả năm 2021 và dự kiến TP.HCM sẽ thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD kiều hối năm nay.
Như vậy chỉ trong 2 tháng qua, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng khoảng 1 tỷ USD. Trước đó, NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, đến hết tháng 9/2021, kiều hối tại TP.HCM đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này khá bất ngờ trong thời điểm dịch bùng phát thời gian qua. Nguồn kiều hối chủ yếu đổ về từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Úc, Canada và châu Âu…
Nguyên nhân khiến lượng kiều hối gia tăng mạnh trong năm nay, ông Minh cho hay là do TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nên những người ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân.
Thực tế, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam hay nỗi lo biến chủng Delta gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế, nỗ lực kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp của nhiều quốc gia có lao động người Việt nước ngoài đang sinh sống, nhưng không tác động nhiều đến lượng kiều hối đổ về Việt Nam.
Ông Minh cho hay, các tháng cuối năm sẽ tăng mạnh hơn nửa đầu năm do người lao động có khoản tích lũy cả năm để gửi về quê nhà vào dịp lễ tết.
Cùng với đó, khó khăn của nhiều tỉnh thành, địa phương trong làn sóng COVID-19 thứ 4 vẫn đang kéo dài, cũng sẽ là nguyên nhân để người lao động ở xa gửi tiền về hỗ trợ cho gia đình, người thân.
Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.
Trong năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD.
Tuy nhiên, triển vọng này vẫn còn phụ thuộc vào tác động của COVID-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh của các nước. Trước đó, vào giữa tháng 5/2021, WB công bố báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu.
WB và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về VN năm 2021 ở mức 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam N là 17,2 tỷ USD.
Cũng theo WB, nếu không tính Trung Quốc thì lượng kiều hối nhận về tại các nước thu nhập thấp và trung bình còn lớn hơn tổng mức đầu tư ngoài nước và nguồn viện trợ chính thức gộp lại. Điều này thể hiện vai trò rất quan trọng của nguồn lực kiều hối đối với phát triển.
Tính riêng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Philippines. Xét theo quy mô tương đối với nền kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 tương đương 5% GDP, cũng nằm trong top 10 thế giới.
Trước diễn biến tích cực của lượng kiều hối đổ về Việt Nam, một số ngân hàng có thế mạnh về kiều hối như Sacombank, Vietcombank, Eximbank... đã đầu tư công nghệ, cải tiến giao dịch, tạo thuận lợi hơn cho khách hàng. Đồng thời, triển khai các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút kiều hối đổ về ngân hàng.
Nguồn kiều hối chuyển về những năm qua được NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỷ giá được kiểm soát ổn định, lãi suất tiền gửi USD còn 0%, nhưng lãi suất tiết kiệm tiền đồng luôn cao nên người nhận kiều hối chủ yếu chuyển sang VND để gửi tiết kiệm.
Lượng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn mạnh sẽ hỗ trợ tích cực trong việc giữ ổn định cho tỷ giá.