Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/5, cả nước đã chi 13,141 tỷ USD (tương đương gần 300.000 tỷ đồng) nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Với trị giá kim ngạch trên nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đang là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta.
Đáng chú ý, trị giá kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt mức tăng trưởng tới gần 40%, với con số tăng thêm 3,749 tỷ USD (tương đương gần 85.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc, Hàn Quốc là 2 thị trường cung cấp máy móc, thiết bị, phụ tùng lớn nhất cho Việt Nam. |
Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 18% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước, trong đó Hàn Quốc đang là thị trường cung cấp lớn nhất của nước ta.
Việc gia tăng nhập khẩu mặt hàng trên ở một khía cạnh nào đó cho thấy hoạt động xây dựng, sản xuất trong nước có những sự tiến triển nhất định. Mặt khác, việc tăng trưởng cao của mặt hàng nhập khẩu này cũng giúp tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Xét về thị trường nhập khẩu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng được nhập từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, cập nhật của Tổng cục Hải quan tính hết tháng 4/2017 có 3 quốc gia đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Hàn Quốc đang đứng ở vị trí số một với trị giá kim ngạch đạt 3,792 tỷ USD (tương đương khoảng 86.000 tỷ đồng), tiếp đến là Trung Quốc 3,39 tỷ USD; Nhật Bản 1,395 tỷ USD.
Số liệu từ Bộ Công thương, năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị của nước ta đạt trên 28,37 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của khối doanh nghiệp FDI đạt 15,49 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm 2015, chiếm trên 54,6% tổng kim ngạch.
Năm 2016, Trung Quốc là thị trường cung cấp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ quốc gia này đạt 9,27 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2015 và chiếm 32,7% tổng kim ngạch.
Ngoài Trung Quốc, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng còn được nhập khẩu từ Hàn Quốc với trị giá nhập khẩu đạt 5,84 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2015, chiếm trên 20,5% kim ngạch nhập khẩu; từ Nhật Bản với trị giá nhập khẩu đạt trên 4,16 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, và chiếm gần 15% tổng kim ngạch.
Trị giá nhập khẩu của khu vực EU đạt 3,24 tỷ USD, giảm 3,3% so với năm 2015 và chiếm 11,4% tổng kim ngạch.