Số liệu hải quan cho thấy thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt hơn 240 tỷ USD, vượt mức mục tiêu 200 tỷ USD mà hai nước đặt ra trong các cuộc gặp song phương vào năm ngoái, và tăng 26,3% so với năm 2022.
Con số trên là mức cao kỷ lục trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga.
Trái lại, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2019, với mức giảm 11,6% so với năm 2022 xuống 664 tỷ USD.
Ông Wang Lingjun, lãnh đạo cấp cao của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhận định hoạt động thương mại của nước này sẽ đối mặt với nhiều trở ngại hơn trong năm 2024.
Số liệu được công bố ngày 12/1 cũng cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% trong năm 2023, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 5,5%.
Cùng ngày, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng công bố số liệu cho thấy tình trạng giảm phát tại Trung Quốc đã kéo dài sang tháng thứ ba trong tháng 12. Chỉ số giá
tiêu dùng (CPI) giảm 0,3% trong tháng trước so với cùng kỳ năm 2022.
Dù giảm phát cho thấy hàng hóa rẻ hơn, nhưng tình trạng này là một rủi ro đối với nền
kinh tế nói chung, vì người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn chi tiêu với kỳ vọng giá còn giảm hơn nữa. Nhu cầu sụt giảm có thể buộc các công ty phải cắt giảm sản lượng, dừng hoạt động tuyển dụng hay sa thải nhân viên, đồng thời cùng có thể giảm giá hàng tồn kho. Việc này sẽ làm giảm lợi nhuận kể cả khi các chi phí không đổi.
Lạm phát tại Trung Quốc trong cả năm 2023 tăng trung bình 0,2%, khác hẳn với các nền kinh tế lớn khác, vốn đang ghi nhận giá cả tăng mạnh trở lại.
NBS cũng cho biết giá sản xuất giảm 2,7% trong tháng 12/2023, đánh dấu tháng giảm thứ 15 liên tiếp.