20 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 4.000 tỷ USD |
Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/12.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt cả châu Phi cộng lại. Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu , chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) ghi nhận dấu ấn 3.995 tỷ USD.
Riêng năm 2019, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt mốc 500 tỷ USD. Tính riêng 5 năm gần đây (từ năm 2015 đến năm 2019) ghi nhận, kim ngạch đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014).
Nếu năm 2001, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD thì sau 6 năm (năm 2007), tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
4 năm sau (năm 2011), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Và 4 năm tiếp theo (đến năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD.
Những năm gần đây, việc lập kim ngạch 100 tỷ USD xuất nhập khẩu được rút ngắn ½ thời gian so với trước. Cụ thể, giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD.
Nhờ những bước bứt phá trong những năm gần đây, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt.
Năm 2006 Việt Nam đang xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và 44 về nhập khẩu.
Đến năm 2018, nước ta đã có bước phát triển ấn tượng, xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ ba về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Báo cáo cũng chỉ ra, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu) trước đó.
Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài. Giá trị nhập siêu lên đến hàng tỷ USD và đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008.
Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đã đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỷ USD và 2019 ghi nhận xuất siêu gần 10 tỷ USD.
Với những dấu ấn đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn vừa qua, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu cho các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD, đồng thời tiếp tục duy trì năm thứ 5 xuất siêu liên tiếp.