Sức khỏe doanh nghiệp
Kinh doanh của Hóa dầu Petrolimex sẽ khó khăn hơn
Lâm Vũ - 15/08/2021 08:22
Triển vọng kinh doanh của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - Công ty cổ phần (Hóa dầu Petrolimex) đang trở nên khó khăn hơn do Covid-19 diễn biến phức tạp.

Giá dầu tăng, biên lợi nhuận gộp giảm

Kết thúc nửa đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Hóa dầu Petrolimex cho thấy kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.439,4 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng ở cả 2 mảng kinh doanh chính là dầu nhờn và hóa chất.

Cụ thể, với mảng kinh doanh dầu nhờn, doanh thu đạt 926 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; còn mảng hóa chất tăng trưởng doanh thu gấp đôi, đạt 1.219,4 tỷ đồng.

Theo cập nhật từ Bộ phận Phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, động lực tăng trưởng của mảng hóa chất chủ yếu trên cơ sở so sánh thấp của năm trước và điều kiện kinh doanh trong nửa đầu năm nay thuận lợi hơn, khi khách hàng của Công ty (doanh nghiệp giày dép, sơn, dệt may, nhựa) đẩy mạnh sản xuất nhờ các đơn đặt hàng quay trở lại. Đối với mảng dầu nhờn, động lực tăng trưởng là giá bán cải thiện.

Tuy vậy, biên lãi gộp của cả 2 mảng kinh doanh này lại sụt giảm đáng kể trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh, giá bán đầu ra dù cũng có xu hướng tăng, nhưng không đủ bù đắp mức tăng của giá nguyên vật liệu. Biên lợi nhuận gộp của mảng dầu nhờn đã giảm còn 28,62%, từ mức 32,89% trong nửa đầu năm 2020. Biên lợi nhuận gộp mảng hóa chất giảm còn 5,51%, từ mức 9,38% cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp mảng nhựa đường dù được cải thiện lên mức 15,96% trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng đáng kể từ mức 11,56% trong nửa đầu năm ngoái nhờ giảm trích lập dự phòng giảm giá tồn kho, nhưng doanh thu mảng này lại chỉ tăng trưởng thấp, với mức 4,2%. Kết quả là, Hóa dầu Petrolimex đạt 535,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp giảm 1,52 điểm phần trăm, về mức 15,56%.

Cùng với chi phí tài chính được tiết giảm, chủ yếu nhờ giảm chi phí lãi vay, Công ty đã ghi nhận 161,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2021, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái, dù các chi phí quản lý, bán hàng tăng lần lượt là 25,3% và 14,05%.

Dòng tiền kinh doanh của Công ty cũng thặng dư 452,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu nhờ khoản chiếm dụng vốn từ người bán tăng mạnh từ 1.265,5 tỷ đồng đầu năm, lên 1.900,6 tỷ đồng, giúp Công ty giảm 320 tỷ đồng nợ vay (giảm 17%) và giá trị các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi tăng hơn 105 tỷ đồng.

Triển vọng cuối năm khó khăn hơn

Trong nửa cuối năm 2021, việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của Chính phủ, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, gồm nâng cấp các tuyến đường cấp tỉnh và hàng loạt dự án cao tốc thành phần của tuyến cao tốc Bắc- Nam, được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ mảng kinh doanh nhựa đường của Công ty.

Theo đánh giá của Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), dù sản phẩm nhựa đường đặc nóng (chiếm 80% sản lượng) của Hóa dầu Petrolimex không có nhiều khác biệt so với các đối thủ, nhưng Công ty có lợi thế cạnh tranh nhờ công suất sản xuất lớn hơn nhiều, với hệ thống 7 nhà máy phủ sóng toàn quốc, nhiều kho chứa và có hệ thống phân phối qua các cửa hàng của công ty mẹ (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, mảng nhựa đường của Công ty sẽ chỉ hưởng lợi ở giai đoạn hoàn thiện mặt đường, nên việc chậm tiến độ trong triển khai các dự án có thể là rủi ro với kết quả kinh doanh của Công ty khi theo số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 6/2021, Dự án cao tốc Bắc - Nam mới giải ngân được 4.534 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch năm. Với 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công, chỉ 2 đoạn đáp ứng tiến độ, có tới 4 đoạn chậm tiến độ so với kế hoạch từ 0,5 - 2%, đoạn Cam Lộ - La Sơn khả năng không hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021 như kế hoạch.

Việc phụ thuộc vào các dự án đầu tư công cũng khiến Hóa dầu Petrolimex thường xuyên bị chiếm dụng vốn lớn thông qua các khoản phải thu với giá trị lên đến 1.480 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản tính đến ngày 30/6/2021. Điều này khiến Công ty phải duy trì nợ vay lớn để bổ sung vốn lưu động, làm cho chi phí lãi vay ở mức cao. Việc này còn dẫn đến rủi ro phát sinh nợ xấu do phụ thuộc vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư. Tổng giá trị trích lập dự phòng phải thu khó đòi của Hóa dầu Petrolimex đến cuối quý II/2021 là 261 tỷ đồng, tương đương 15% giá trị khoản phải thu. Riêng trong nửa đầu năm 2021, trích lập dự phòng phải thu tăng 27,2 tỷ đồng.

Đối với 2 mảng dầu nhờn và hóa chất, sau khởi đầu tích cực trong nửa đầu năm, triển vọng kinh doanh trong nửa cuối năm được đánh giá sẽ khó khăn hơn, khi đợt bùng phát Covid-19 thứ tư diễn biến phức tạp và lan rộng, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách mạnh tay, nhiều doanh nghiệp giày dép, sơn, dệt may, nhựa… phải tạm ngưng sản xuất để phòng chống dịch bệnh, nên ảnh hưởng đáng kể đến sức tiêu thụ sản phẩm của Công ty.

Tin liên quan
Tin khác