Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, một nghị định mới về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được xây dựng theo hướng siết chặt hoạt động này và dự kiến được ban hành thời gian tới.
| ||
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) |
Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kim tự tháp đã tạo ra ấn tượng xấu cho ngành bán hàng đa cấp. Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp cấp phép trong lĩnh vực này, ông bình luận gì?
Ở Việt Nam, tính đến hết năm 2012, có khoảng 70 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, thu hút gần 1 triệu người tham gia với tư cách là những nhà phân phối.
Đây là con số rất lớn so với các ngành công nghiệp khác. Tham gia bán hàng đa cấp có rất nhiều sinh viên, nông dân…, nên khi xảy ra vấn đề gì thì hệ quả rất nghiêm trọng.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, do hoạt động bán hàng đa cấp phát triển nhanh cả về quy mô doanh nghiệp, số lượng người tham gia…, nên đã phát sinh nhiều hệ lụy. Có nhiều công ty không có giấy phép bán hàng đa cấp, nhưng lại mô phỏng hoạt động này để hoạt động kinh doanh (như các vụ kinh doanh chồn nhung đen, cao ngựa, vòng titan, hay MB24…),
Bên cạnh đó, hoạt động của một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng gây nhiều băn khoăn cho xã hội. Họ nói quá về tính năng, công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng, thổi phồng về lợi ích khi tham gia mô hình này; tổ chức những hội thảo rất lộn xộn, thu hút hàng ngàn người tham gia, gây mất trật tự ở địa phương…
Một điều nữa tạo ấn tượng không tốt là hoạt động bán hàng đa cấp thường đẩy giá bán sản phẩm lên quá cao, không tương xứng với giá trị thật của sản phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cuối cùng.
Theo ông, cần làm gì để quản lý tốt hoạt động này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính phát triển?
Từ năm 2005, Chính phủ đã có Nghị định 110/NĐ-CP-2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó quy định nhiều chế tài với các doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, Nghị định này chưa có những quy định chặt chẽ để quản lý tốt nhất hoạt động này. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 110, để có thể ban hành một hệ thống văn bản mới cụ thể và chặt chẽ hơn.
Nghị định mới thay thế Nghị định 110/NĐ-CP-2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được Cục Quản lý cạnh tranh xây dựng, lấy ý kiến của các địa phương và đã được chuyển qua Bộ Tư pháp xem xét, trình Chính phủ phê duyệt. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014, sẽ có Nghị định mới thay thế Nghị định 110/NĐ-CP-2005.
| ||
Hoạt động bán hàng đa cấp đang gây nhiều băn khoăn cho xã hội. Ảnh: Bảo Giang |
Đâu sẽ là những thay đổi mang tính then chốt của nghị định mới?
Được cải tiến theo tinh thần: “Luật pháp phải mang tính ngăn ngừa, chứ không để xảy ra mới đi khắc phục”, Nghị định mới sẽ tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, siết chặt điều kiện doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Trước đây, chỉ cần có phương án trả thưởng, có ký quỹ… là doanh nghiệp được tham gia hình thức bán hàng này. Song trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động lừa đảo đã thao túng thị trường. Do vậy, quy định mới sẽ nâng số tiền ký quỹ lên (Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp ký quỹ đến 300 tỷ đồng).
Thứ hai, tăng cường hoạt động quản lý, khống chế tỷ lệ hoa hồng. Hiện nay, mức hoa hồng quá cao, không hợp lý, hoàn toàn từ khai thác của khách hàng và người tiêu dùng. Hoạt động này cần được chấn chỉnh trở lại.
Thứ ba, quy định chặt chẽ về giấy phép. Trước đây, doanh nghiệp được cấp giấy phép không bị giám sát, có thể bán lại. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ không được sang nhượng, doanh nghiệp sau cấp phép nếu không triển khai hoạt động, thì sẽ bị thu hồi.
Đồng thời, giấy phép mới quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, người đứng đầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể đứng tên thành lập doanh nghiệp mới. Nhưng nghị định mới sẽ “siết” lại, người đứng đầu doanh nghiệp vi phạm sẽ không được lập doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là có nên để mô hình kinh doanh kim tự tháp được tồn tại?
Nghị định mới sẽ quy định rõ việc chống hình thành mô hình kim tự tháp. Nghị định mới cũng nêu rõ, người tham gia doanh nghiệp có thể trả hàng lại, nhằm bảo vệ tối đa quyền của người tham gia hệ thống phân phối và người tiêu dùng cuối cùng.
Một trong những lý do gây bất ổn xã hội của việc bán hàng đa cấp trong thời gian qua là tụ tập đông người một cách bất hợp pháp, tuyên truyền gây mất an ninh xã hội… Điều này có được khắc phục ở Nghị định mới không, thưa ông?
Nghị định mới cũng quy định việc tổ chức hội thảo, quy trình như thế nào, đặc biệt là tránh việc doanh nghiệp đổ lỗi cho nhà phân phối.
Bất cứ sai phạm nào của nhà phân phối, thì người đứng đầu doanh nghiệp hoặc công ty phải chịu trách nhiệm. Có như vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn loại bỏ và tránh các nhà phân phối không có trách nhiệm.
Bửu Hà - Thanh Tân