Doanh nghiệp
Kinh doanh du lịch cần sự dẫn dắt của doanh nghiệp lớn
Hải Hà - 28/02/2018 19:18
Thực tế phát triển của ngành du lịch Việt Nam đang đặt ra vấn đề về vai trò dẫn dắt thị trường từ những doanh nghiệp lớn, nhằm tạo ra động lực mới.

Gắn trách nhiệm dẫn dắt cho doanh nghiệp lớn

2017 là một năm bứt phá đối với với ngành du lịch Việt Nam, với kỷ lục đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, 10 doanh nghiệp du lịch lớn nhất đang đón 10% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên chú trọng hơn nữa mảng dịch vụ inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam)

Bình luận về con số này, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt vấn đề về trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn với vai trò dẫn dắt thị trường. Hiện nay, trong số 1.800 doanh nghiệp lữ hành, có tới 1.500 doanh nghiệp đang kinh doanh outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài). Như vậy, doanh nghiệp du lịch đang chỉ tập trung “săn” người Việt mà quên mất mảng inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam).

“Trong du lịch, càng nhiều doanh nghiệp nhỏ càng nát thị trường. Vì vậy, cần bàn giải pháp để hình thành hệ thống hỗ trợ những doanh nghiệp lớn, chỉ khi đó, mới gắn được trách nhiệm của những doanh nghiệp lớn với việc phát triển hệ thống doanh nghiệp vệ tinh, dẫn dắt thị trường, tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch”, ông Bình nhấn mạnh.

Hệ quả từ việc thiếu sự dẫn dắt, theo của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, là đang khiến công tác xúc tiến du lịch kém hiệu quả.

“Hàng năm, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến du lịch, nhưng hiệu quả không cao, vì chính doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh với nhau. Các doanh nghiệp đều có sản phẩm tương đối giống nhau, không có sự dẫn dắt, phân hóa hay phối hợp”, ông Kỳ nói.

Chủ động xây dựng chuỗi giá trị

Khi chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp tiên phong chưa được xây dựng, thì trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu kế hoạch kết nối hệ thống cung ứng dịch vụ để tạo nên chuỗi giá trị hoàn chỉnh, trên cơ sở đó gia tăng giá trị cho từng điểm và đương nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi.

Năm 2017, Vietravel đã bắt đầu kế hoạch tư vấn cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với ý tưởng mới lạ là chiếu sáng kỳ đài Huế, kết nối kỳ đài Huế với Ngọ Môn bằng 15 triệu điểm màu. Đầu năm 2018, ý tưởng này đã được thực hiện, xóa đi sự đơn điệu của Huế khi về đêm.

Kế hoạch năm 2018 được Vietravel đặt ra là kết nối con đường di sản miền Trung, từ Quảng Bình đến Tây Nguyên, tạo ra bộ tour về con đường di sản. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, kế hoạch này cần nguồn lực rất lớn và những sản phẩm trọng điểm cần rất cụ thể, nếu không, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro khi xây dựng.

Cũng trong năm 2017, Thiên Minh Group đã bắt tay với hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á AirAsia để thành lập liên minh tại Việt Nam. Theo kế hoạch, năm 2018, liên minh này sẽ chính thức cho các đội bay cất cánh.

Ông Trần Trọng Kiên, CEO Thiên Minh cho biết: “Thương hiệu AirAsia đã quá quen thuộc với khách du lịch quốc tế, nhất là đối tượng khách du lịch trẻ tới Việt Nam khám phá. AirAsia có chuyến bay thẳng tới TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang, sắp tới là Phú Quốc. AirAsia phục vụ tới 80% là khách du lịch, nên sẽ tạo ra nhiều cơ hội đưa khách quốc tế đến Việt Nam hơn, đồng thời giúp nhiều người Việt Nam có thể du lịch quốc tế với giá phải chăng hơn, tiện ích hơn”.

Ông Kiên cũng không đặt lo ngại nhiều về hạ tầng sân bay, vì theo vị CEO này, trừ sân bay Tân Sơn Nhất, những sân bay khác đang hoặc sắp đi vào hoạt động như Nội Bài, Đà Nẵng, Cát Bi, Vân Đồn, Chu Lai, Biên Hòa, Cần Thơ… vẫn thừa công suất và là những sân bay trọng điểm phát triển du lịch, sẽ là đích đến của liên minh này. 

Trong khi đó, theo ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines, du lịch chỉ có thể phát triển khi Việt Nam mở cửa bầu trời, đơn giản hóa thủ tục, cho phép mở thêm nhiều hãng hàng không.

Như vậy, sự hợp tác giữa Thiên Minh với AirAsia không đơn thuần vì mục tiêu lợi nhuận, mà có thể sẽ tạo động lực lớn cho ngành du lịch, kéo theo nhiều khách du lịch quốc tế tới Việt Nam hơn, như lời CEO của Thiên Minh chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác