Sau 2 cửa hàng J&G1973 đầu tiên, JFC dự kiến tiếp tục mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: A.H |
“Tân binh” khuấy động
Bắt đầu từ một xe đẩy bán gà rán tại chợ đêm TP. Taichung (Đài Loan) năm 1973, J&G1973 đã trở thành một trong những thương hiệu gà rán lớn nhất với chuỗi 50 cửa hàng trên khắp Đài Loan, gần 500 cửa hàng tại Canada, Hồng Kông, Malaysia, Philippines, Singapore, Trung Quốc, Australia… và mới đây là tại Việt Nam.
Công ty Joy Foods (JFC) là đơn vị tổng nhượng quyền của thương hiệu này tại Việt Nam. Sau hai cửa hàng đầu tiên, trong thời gian tới, JFC sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trước đó, Gà rán Bonchon - món ngon “đốn tim” tín đồ ẩm thực Philippines, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc... đã có mặt tại số 12 - Nhà Thờ (Hà Nội). Không quảng cáo rầm rộ, nhưng Bonchon đã được hàng trăm “tín đồ gà rán” Hà thành mong ngóng từng ngày.
Hành trình từ TP. Busan (Hàn Quốc) - nơi ý tưởng đầu tiên về Bonchon được ấp ủ, cho đến chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam không đơn giản là một điển hình thành công về kinh doanh. Đây là cách nhà sáng lập Jinduk Seo hiện thực hóa giấc mơ lan tỏa hương vị tuổi thơ của mình ra ngoài thế giới.
Có thể nói, fast food (thức ăn nhanh) là một trong những xu hướng khi Việt Nam mở cửa với thế giới. Không chỉ phục vụ nhu cầu tiện lợi của giới trẻ, fast food còn đáp ứng một phần nhu cầu cho những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Với tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng đã xuất hiện. Điểm chung là, mỗi khi có một thương hiệu mới được khai trương, người ta thường thấy cảnh tượng hàng dài người xếp hàng lấy số trước các cửa hàng để chờ đến lượt thưởng thức hương vị gà rán.
Gà rán được xếp vào danh sách các loại thực phẩm được yêu thích nhất tại Việt Nam hiện nay. Không ít thương hiệu gà rán khổng lồ trên thế giới đã thâm nhập thị trường Việt Nam từ vài thập kỷ với những công thức chế biến hoàn toàn khác biệt. Có thể kể đến một số tên tuổi như KFC (Mỹ), Lotteria (Hàn Quốc); Burger King (Mỹ); Jollibee (Philippines); Five Star (Charoen Porkphand Foods, Thái Lan); McDonald’s (Mỹ); Papas’ Chicken (Hàn Quốc); Popeyes (Mỹ)…
Trong số đó, các thương hiệu đến từ Mỹ chủ yếu do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đưa về thông qua hình thức nhượng quyền. Từ năm 2010, nắm bắt xu hướng kinh doanh và nhu cầu, IPP đã mở rộng kinh doanh nhượng quyền và đưa Burger King, Popeyes vào Việt Nam.
Chiến lược “Việt hóa”
Bất cứ thương hiệu nào muốn nổi tiếng, thành công lâu dài đều phải có những bí quyết riêng và gà rán của các thương hiệu nói trên cũng không phải ngoại lệ. Bí quyết thành công của các hãng chính là tạo nên những món ăn ngon nhất, mang lại sự hài lòng nhất cho khách hàng, với mức giá phải chăng.
IPP đưa thương hiệu Gà rán Popeyes Louisiana Kitchen vào Việt Nam năm 2013, với cửa hàng đầu tiên tại Nguyễn Đức Cảnh (quận 7, TP.HCM). Sau hơn 6 năm, Popeyes Louisiana Kitchen với chiến lược “Việt hóa” của IPP, nay thành Gà rán Popeyes với 19 cửa hàng cùng menu không ngừng đổi mới, kết hợp gia vị đặc trưng phương Đông. Với tư duy cởi mở, sáng tạo cùng tinh thần “nhập gia tùy tục” trong kinh doanh nhượng quyền, IPP đã đưa Popeyes trở thành thương hiệu gà rán ưa thích của giới trẻ Việt Nam.
Trong khi đó, McDonald’s cho ra đời sản phẩm “Gà rán Giòn da thấm thịt” theo công thức độc quyền chuẩn Mỹ, với tham vọng gia tăng thị phần. Thông qua việc bổ sung món ăn quen thuộc với khẩu vị của đại đa số người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, McDonald’s kỳ vọng sẽ làm bùng phát cơn sóng mới trong lĩnh vực thức ăn nhanh.
“Tân binh” J&G1973 đến từ Đài Loan, ngoài công thức tẩm ướp bí truyền của gia tộc họ Huang tại TP. Taichung, còn rất nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn nguyên liệu tươi và đảm bảo an toàn thực phẩm, cùng quy trình chế biến tiêu chuẩn.
J&G1973 chỉ dùng dùng thịt gà tươi trong ngày cùng rau củ sạch, dầu đậu nành 100% và thay mới mỗi ngày, được tuyển chọn từ các nhà cung cấp nội địa Đài Loan hoặc từ Nhật Bản. Không chỉ vậy, “tân binh” này còn thiết kế bếp mở để khách hàng có thể tận mắt quan sát quy trình chế biến thức ăn và chất lượng dầu chiên.
Trong khi đó, các đối thủ cùng ngành vốn dẫn đầu thị trường Việt Nam về mảng thức ăn nhanh chuyên gà rán, như Lotteria, KFC và Jollibee lại đang có dấu hiệu chững lại.
Số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho thấy, tổng doanh thu năm 2018 của 5 chuỗi KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, The Pizza Company đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Tuy nhiên, tốc độ này giảm đáng kể so với tỷ lệ 24% của năm 2017.
KFC và Lotteria, hai chuỗi đồ ăn nhanh giữ thị phần cao nhất, cán mốc doanh thu ngàn tỷ đồng, bắt đầu giảm tốc. Báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty Liên doanh TNHH KFC Việt Nam ghi nhận doanh thu gần 1.480 tỷ đồng, chỉ tăng 7,5% so với năm 2017. Trong khi trước đó một năm, tốc độ tăng doanh thu của KFC đạt hơn 18,3%. Doanh thu năm 2018 của Lotteria Việt Nam chỉ tăng hơn 2%, so với mức 17% một năm trước.
So với hai “đại gia” đứng đầu thị trường, quy mô doanh thu của chuỗi Jollibee chỉ bằng một nửa, nhưng hoạt động kinh doanh có phần khả quan hơn. Năm 2018, Jollibee Việt Nam đạt doanh thu gần 800 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2017 và duy trì tốc độ tăng trưởng gần bằng giai đoạn trước đó.
Tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại ở nhóm dẫn đầu. Nguyên nhân do sự thay đổi của thị trường về tư duy tiêu dùng của khách hàng, khi sức khỏe được ưu tiên hơn là sự tiện lợi và sự cạnh tranh được đẩy lên với những phân khúc thay thế như các mô hình cửa hàng tiện lợi kèm đồ ăn nhanh.
Các thương hiệu đình đám vào thị trường Việt Nam bị vấp phải rào cản về giá cả, thị hiếu, quy mô thị trường, nên phải liên tục thay đổi thực đơn để phù hợp với thị hiếu của người Việt. Ngoài ra, ông Lâm Hồng Nguyễn, Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ khác dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt bằng tại Việt Nam và chi phí cho mặt bằng lên rất cao.
Tính toán của Jollibee cho thấy, giá mặt bằng tại TP.HCM, Hà Nội tăng trung bình 5 - 10%/năm, thậm chí là tăng gấp đôi với những mặt bằng ở khu vực trung tâm. Đây là thách thức lớn nhất đối với chuỗi thức ăn nhanh để cạnh tranh.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, Jollibee tự tin đủ thấu hiểu nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Việt. Mới đây, thương hệu này đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến mới tại Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Cần Giuộc (Long An). Trong khi đó, đại diện Lotteria cho biết, sẽ tiếp tục đổ tiền đầu tư, bởi hãng này đã xác định từ đầu là cần có thêm thời gian để chạm đến điểm phát sinh lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng, cục diện cạnh tranh trên thị trường thức ăn nhanh thời gian tới càng trở nên khó đoán khi các chuỗi thức ăn nhanh đa quốc gia với tiềm lực dồi dào vẫn đang tiếp tục mở rộng. Miếng bánh thị phần, với đa số thuộc về những chuỗi lớn, dự kiến sẽ nhiều biến động.