Du lịch
Kinh nghiệm phục hồi du lịch của Thái Lan, hậu Covid-19
Du lịch Thái Lan đã có bước tăng trưởng từ sau Covid-19, tuy nhiên vẫn chưa phục hồi được như thời điểm năm 2019, theo bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam.

Tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3, bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm phục hồi du lịch của Thái Lan, hậu Covid-19.

Bà Nareekarn Srichainak Đại dịch Covid-19 cho hay, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan từ đầu năm 2020, tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất tại “xứ chùa vàng”, kể từ năm 1997. 

Bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phục hồi du lịch của Thái Lan, hậu Covid-19. (Ảnh: Chí Cường)

Du lịch đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Sau khi lệnh đóng cửa được đưa ra, ngay lập tức gây ảnh hưởng tới nền kinh tế. Bởi thu nhập từ du lịch đóng góp lên tới 23% tổng GDP. Sau khi dịch Covid-19 ập đến, lượng khách quốc tế đến Thái Lan đã giảm mạnh tới 83%, xuống còn 6,7 triệu (năm 2020). 

Theo bà Nareekarn Srichainak, trong thời gian Thái Lan hạn chế nhập cảnh và đi lại, các thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất là Phuket, Bangkok và Chonburi. Đây là những nơi mà du lịch đóng góp tới 65% thu nhập của người dân. 

“Tôi bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ năm 2019 và 1,5 năm tôi không về nhà được. Tình hình đến nay đã được phục hồi sau một số biện pháp như chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu vaccine, hạn chế đi lại trong 7 ngày… Năm ngoái, Thái Lan đã mở cửa trở lại, nới lỏng các hạn chế”, bà Nareekarn Srichainak cho hay.

Để phục hồi ngành du lịch, Thái Lan đã chuẩn bị cho cơ chế Hộp cát Phuket (Phuket Sandbox). Các cơ quan quản lý nhà nước hợp tác chặt chẽ với giới tư nhân, những người cung cấp dịch vụ du lịch, sử dụng đội tuyển bóng đá quốc gia để làm đại sứ du lịch… và đưa ra một mô hình mở cửa trở lại với vai trò của Chính phủ trong việc đảm bảo y tế công cộng. 

Bà Nareekarn Srichainak thông tin, Thái Lan chia dự án này thành 4 bước. Từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021, ngành du lịch Thái Lan thu hút khách du lịch từ những điểm đến rủi ro thấp, du khách phải đăng ký thị thực đặc biệt. “Ví dụ, du khách đến từ thị trường ASEAN trước dịch được miễn visa nhưng trong giai đoạn này, họ phải visa du lịch đặc biệt để đảm bảo phòng chống dịch”, bà Nareekarn Srichainak dẫn chứng. 

Tiếp theo, từ tháng 3 đến tháng 4/2021, Thái Lan mở cửa Phuket và một số điểm đến khác để cách ly khách du lịch trong 7 ngày tại các điểm du lịch, sau đó du khách có thể đến các nơi khác ở Thái Lan. Các hệ thống vận hành và các biện pháp thực hiện đã được tính toán rất cẩn thận.

Để đưa ra được các điểm đến tốt nhất cho khách du lịch quốc tế, từ tháng 10-11/2021 Thái Lan đã bắt đầu chia ra các tỉnh thành trong nước vào các vùng xanh, vùng đỏ. Đồng thời, mở rộng vùng xanh từ Phuket sang một số tỉnh thành khác. Sau thành công của thí nghiệm tại Phuket, “xứ chùa vàng” sẵn sàng mở rộng mô hình này sang các điểm đến khác. 

Để thúc đẩy vai trò của Thái Lan như một trung tâm du lịch của thế giới, bà Nareekarn Srichainak cho hay, Thái Lan đã ứng cử tổ chức sự kiện Expo du lịch tại Phuket với chủ đề “Tương lai của cuộc sống”. 

Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam còn hợp tác với tỉnh Quảng Ninh để chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian thực hiện Hộp cát Phuket nhằm hỗ trợ tỉnh này mở cửa một phần nhằm đón khách du lịch với dự án Phuket - Quảng Ninh, cùng nhau vững mạnh hơn sau Covid-19.

Chia sẻ các yếu tố đóng góp vào sự thành công cho việc mở cửa du lịch tại Thái Lan, bà Nareekarn Srichainak khẳng định, đó là tạo ra môi trường chính sách kiến tạo. “Chúng tôi đã thiết lập trung tâm phản ứng Covid-19 cấp quốc gia giống như Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng tìm cách phân cấp phân quyền cho các địa phương để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến chống dịch cần phản ứng nhanh”, bà cho biết. 

Mục tiêu của Thái Lan là mở cửa lại đất nước trong 180 ngày. Trong quá trình đó, tất cả các tổ chức và đơn vị liên quan đều đếm ngược, tất cả mọi người đều phải chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình mở cửa trở lại. 

Thái Lan tìm cách để nâng mức du lịch trong nước trong khi đợi khách du lịch nước ngoài quay trở lại. Với việc giảm giá các dịch vụ bay, đi lại, lưu trú, để tạo ra nguồn thu cho ngành du lịch vì nếu không, người làm dịch vụ du lịch không sống nổi qua thời kỳ đại dịch để chờ du khách nước ngoài.

Về hợp tác công - tư, Đại sứ quán, các bộ ngành, địa phương và khu vực tư nhân hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm một mô hình phù hợp nhất, có ảnh hưởng ít tiêu cực nhất. 

Thái Lan cũng áp dụng công nghệ thông tin và sử dụng số liệu thống kê để đưa ra các chính sách phù hợp. Một yếu tố nữa là hợp tác quốc tế như ký MOU giữa Thái Lan và Ấn Độ để tạo ra bong bóng du lịch và với Ả-rập-xê-út sau khi hai nước phục hồi quan hệ giao thương. Ngoài ra, “xứ chùa vàng còn” thu hút các thị trường khách quốc tế đặc thù đến chơi golf, chăm sóc sắc đẹp, giới LGBT+.

Sau Covid, “xú chùa vàng” còn nỗ lực quảng bá hình ảnh Thái Lan là một điểm đến rất đa dạng, phong phú với chiến dịch quảng bá “Amazing Thailand, from A to Z”. “Chúng tôi tập trung vào thông điệp mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, đa phong cách cho nhiều đối tượng”, bà Nareekarn Srichainak cho hay. 

Bà thông tin, Thái Lan đã có bước tăng trưởng từ sau Covid-19, tuy nhiên vẫn chưa phục hồi được như thời điểm năm 2019, với 11 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2022. Khách du lịch Việt Nam đến Thái Lan chiếm 4,4% năm 2022 và 3,3% tính đến thời điểm này trong năm nay. 

Du lịch Thái Lan chưa phục hồi hoàn toàn là vì dịch Covid-19 vẫn chưa bị đẩy lùi hoàn toàn. Thêm nữa là do sụt giảm kinh tế toàn cầu, do xung đột, tỷ lệ lạm phát cao trên toàn cầu và giá vé máy bay còn cao. 

Trong bối cảnh bình thường mới, bà Nareekarn Srichainak bày tỏ, ngành du lịch Thái Lan luôn quan tâm và sẵn sàng bắt tay với ngành du lịch Việt Nam để phục hồi du lịch.

Tin liên quan
Tin khác