Đầu tư
Kinh tế biển Nghệ An chờ đột phá từ đầu tư hạ tầng
Phú Dương - 13/01/2024 15:03
Thu hút đầu tư vào hệ thống cảng biển được kỳ vọng sẽ đưa kinh tế biển của Nghệ An vươn tầm đúng vị thế vốn có.
Cảng Cửa Lò có năng lực tiếp nhận được tàu trọng tải 30.000 DWT Nguồn: Cảng Cửa Lò

Nhận diện “nút thắt”

Nghệ An có đường bờ biển dài 82 km, diện tích vùng biển lên đến 4.230 hải lý vuông mặt nước do địa phương quản lý. Biển và vùng ven biển của tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao thương quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung.

Năm 2021, tỷ trọng GRDP 6 địa phương vùng ven biển của tỉnh Nghệ An gồm Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và TP. Vinh (quy hoạch thành đô thị biển) đã đóng góp đến 50,44% GRDP của cả tỉnh; 15 địa phương còn lại chỉ chiếm 49,56%. Do vậy, vùng ven biển đang là động lực rất quan trọng cho kinh tế Nghệ An phát triển.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa có tính đột phá. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hàng năm còn thấp (tốc độ tăng trưởng của vùng ven biển, chưa bao gồm TP. Vinh, năm 2021 là 5,95%, trong khi cả tỉnh Nghệ An là 6,06%).

Ngoài ra, việc thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn vào phát triển kinh tế biển còn gặp khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển.

Biển và vùng ven biển được xem là một lợi thế vượt trội của Nghệ An, cần được chú trọng khai thác, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả và phải được đặt vào vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển.

- PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã bố trí kế hoạch tập trung đầu tư các dự án động lực phát triển vùng kinh tế biển như Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò với số vốn 3.400 tỷ đồng; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng ven biển thuộc địa bàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với số vốn 1.050 tỷ đồng, Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò với số vốn 465 tỷ đồng…

Thực tế, từ năm 2020, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã nhìn nhận, việc quy hoạch và xây dựng cảng biển Cửa Lò, cảng biển Đông Hồi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận, bởi hệ thống cảng biển tại Nghệ An đang là “nút thắt” trong xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh với những bất cập ngày càng bộc lộ, vì vậy, cần điều chỉnh để mở nút thắt này.

Ngày 24/7/2022, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Thái Thanh Quý đề cập, hiện nay, Nghệ An đang gặp điểm nghẽn rất lớn trong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về cảng biển nước sâu và mở rộng sân bay Vinh.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc, tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến việc nâng cấp quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh, triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp VSIP giai đoạn II và mở rộng Khu công nghiệp Hoàng Mai II…

Theo nội dung Thông báo số 244/TB-VPCP, ngày 11/8/2022 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, về các kiến nghị trên, Thủ tướng giao UBND tỉnh Nghệ An chủ động phối hợp, cung cấp số liệu liên quan tới dự báo công suất, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh để Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) rà soát, xem xét thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Về kiến nghị phương án đầu tư các công trình phụ trợ Cảng hàng không quốc tế Vinh theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Thủ tướng giao UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đề xuất phương án đầu tư cụ thể, gửi Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, rà soát tổng thể quy hoạch mặt bằng công năng khu vực cảng; trên cơ sở đó, hướng dẫn tỉnh Nghệ An hoàn thiện thủ tục và thực hiện dự án theo đúng quy định; ưu tiên các phương án huy động nguồn lực đầu tư từ phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa…

Mục tiêu số một là hoàn thiện đồng bộ hạ tầng

Hạ tầng cảng biển Nghệ An mặc dù cơ bản được đầu tư, khai thác theo đúng quy hoạch được duyệt; năng lực và tổ chức khai thác cảng có hiệu quả như đưa vào sử dụng bến số 5 của cảng Cửa Lò; cảng xăng dầu DKC (thuộc Công ty cổ phần Thiên Minh Đức); cảng Vissai phục vụ vận chuyển xi măng... Tuy nhiên, UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, việc đầu tư hạ tầng bến cảng tại khu vực Nghệ An còn chưa được như quy hoạch; bến cảng tổng hợp và container phía Bắc Cửa Lò đã khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn chưa xây dựng.

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An khuyến khích, tạo điều kiện để triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt, cũng như kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng biển dùng chung (luồng tàu, đê chắn sóng) tại Bắc Cửa Lò, Đông Hồi...

Về sân bay, với quy mô hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Vinh đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Song hiện nay, do nhu cầu đi lại của người dân tăng nhanh, nên vào giờ cao điểm, các vị trí sân đỗ máy bay của Cảng hàng không quốc tế Vinh còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, nhà ga hành khách quốc tế đang sử dụng là nhà ga tạm nên rất chật hẹp, ảnh hưởng đến đi lại của hành khách.

Trong 4 hành lang kinh tế, phải nói rõ và nhấn mạnh, hành lang ven biển phía Đông, trong đó, hành lang Quốc lộ 1 (gồm Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An và đường sắt Bắc - Nam) là đô thị - công nghiệp - dịch vụ tổng hợp, kết hợp hành lang ven biển. Hành lang này chính là khai thác không gian biển.

- TS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Việc xây dựng nhà ga hành khách T2, đường cất hạ cánh mới, theo UBND tỉnh Nghệ An là “chưa đạt theo quy hoạch đề ra”.

Hiện nay, Ga hành khách của sân bay Vinh đáp ứng 1.000 khách giờ cao điểm, công suất khai thác 2,5 - 3 triệu lượt khách/năm; có 7 tuyến bay nội địa, từ Vinh đến TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt (Lâm Đồng), Cam Ranh (Khánh Hòa), Pleiku (Gia Lai); 2 tuyến đi quốc tế là Viêng Chăn (Lào) và Bangkok (Thái Lan).

Để thúc đẩy kinh tế biển, tại cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ngày 8/2/2023, ông Thái Thanh Quý cho biết, địa phương có 4 thứ tự ưu tiên; trong đó, mục tiêu số một là hoàn thiện đồng bộ hạ tầng.

Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư cảng biển nước sâu, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh, đường ven biển, đường kết nối Vinh - Cửa Lò, các đường trục ngang.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, tỉnh tiếp tục phát triển các khu công nghiệp ven biển VSIP Nghệ An II ở Diễn Châu, mở rộng Khu công nghiệp WHA ở Nghi Lộc và phát triển các khu công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt 1, 2 ở thị xã Hoàng Mai.

Đồng thời, để phát triển công nghiệp ven biển, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư hạ tầng tốt về đầu tư để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các khu kinh tế khác và đặc biệt chú ý phát triển logistics, vận tải biển. Các chính sách như ưu đãi thuế, đất đai… thậm chí còn phải mạnh hơn các khu vực khác.

Cuối cùng là tập trung phát triển du lịch ven biển, đô thị biển và đầu tư cho đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy - hải sản.

Ưu tiên công nghiệp ven biển

Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh là trụ cột thứ 5 của tỉnh Nghệ An. Đồng thời, Hành lang kinh tế ven biển (gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển) sẽ phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển.

Mục tiêu cụ thể, kinh tế của vùng ven biển ước đạt khoảng 57 - 60% GRDP của tỉnh Nghệ An. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 12,5 - 13,5%/năm.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Nghệ An tập trung vào các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên gồm công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác khoáng sản biển và các hoạt động kinh tế biển khác.

Trong đó, địa phương lấy công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải và phát triển du lịch là những lĩnh vực đột phá; lấy Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (mở rộng) làm lãnh thổ trọng điểm cho phát triển kinh tế biển; lấy hợp tác vùng và hợp tác quốc tế làm đòn bẩy để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Đối với công nghiệp ven biển, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao (điện tử - viễn thông, sản phẩm số, dược phẩm), phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp ven biển…

Đối với kinh tế hàng hải, tỉnh phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển trong kết nối Nghệ An với thị trường quốc tế, tạo sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 2021-2030 (dự kiến vốn FDI cần thu hút vào Nghệ An giai đoạn 2021-2030 khoảng 5,2 - 5,5 tỷ USD, chiếm khoảng 7,1 - 7,2% trong tổng nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh).

Cùng với đó, địa phương phát triển các cảng biển tổng hợp Cửa Lò, Cửa Hội, Đông Hồi; đẩy mạnh phát triển khu bến Đông Hồi trong vai trò đảm nhận phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, hỗ trợ khu bến Nam Nghi Sơn để hình thành cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi.

Đối với ngành du lịch biển, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án tầm cỡ gắn với các điểm du lịch biển giàu tiềm năng ở Nghi Lộc (du lịch sinh thái và vui chơi, giải trí); Cửa Hội (tổ hợp vui chơi, giải trí); Bãi Lữ (biệt thự du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng)…

Tin liên quan
Tin khác