Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng năm 2021 của châu Âu sẽ đạt 4,5%. |
Một năm sau đại dịch Covid-19, châu Âu thấy mình đang ở một bước ngoặt khác. Các làn sóng nhiễm Covid-19 mới vẫn đang tấn công "lục địa già", đặt ra yêu cầu áp dụng các đợt phong tỏa mới.
Tuy nhiên, không giống như năm ngoái, các loại vaccine an toàn và hiệu quả đã có sẵn, dù tốc độ tiêm chủng vẫn còn chậm, nhưng đại dịch được nhận định sắp kết thúc.
Ông Alfred Kammer, Giám đốc Bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, sự phục hồi kinh tế ở châu Âu vẫn đang chững lại và không đồng đều. Điều này phản ánh tác động của các đợt nhiễm Covid-19 có tính chu kỳ và tốc độ tiêm phòng vaccine còn chậm. Trong khi sản xuất công nghiệp của châu Âu đã bình phục trở lại như trước đại dịch, thì lĩnh vực dịch vụ vẫn đang bị Covid-19 co kéo.
Ở kịch bản vaccine kháng Covid-19 trở nên phổ biến trong năm nay và suốt năm tới, tăng trưởng của châu Âu dự kiến đạt 3,9% vào năm 2022. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đủ lực kéo kinh tế châu Âu trở lại như trước đại dịch.
Sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 và việc chậm chễ triển khai tiêm vaccine là mối quan tâm hàng đầu tại thời điểm này. Nỗi lo lớn nhất trong trung hạn là sản lượng của nền kinh tế châu Âu sẽ không thể hồi phục nếu người thất nghiệp trong đại dịch không thể tìm được việc làm mới. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi đã xuất hiện những khoảng trống trong giáo dục và hoạt động đào tạo lao động vẫn chưa phục hồi, trong khi các kế hoạch đầu tư sản xuất vẫn bị gác lại còn các nguồn lực nằm vẫn ở những lĩnh vực bị suy giảm thay vì chuyển sang các lĩnh vực mở rộng khác.
Theo Báo cáo triển vọng tăng trưởng châu Âu năm 2021 mới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, số một ưu tiên của châu Âu hiện nay là phải tăng cường sản xuất vaccine. Đây là điều quan trọng không chỉ riêng với châu Âu mà còn cả thế giới vì châu Âu là trung tâm sản xuất và xuất khẩu vaccine.
"Đầu tư vào nỗ lực như vậy sẽ được đền đáp. Tất nhiên, việc sản xuất vaccine nhanh hơn sẽ cần đi đôi với nỗ lực của các nước trong việc phân phối nhanh chóng các loại vaccine đến người dân", các chuyên gia IMF lưu ý.
Trong kịch bản chịu tác động dài hạn, GDP của châu Âu ước tăng khoảng 1,5% GDP vào năm 2025. Thế nhưng, các dự báo trên có thể thay đổi khi tác động rộng khắp của đại dịch lên nền kinh tế này trở nên rõ rệt.
Lạm phát của châu Âu hiện được kiềm chế do các hoạt động kinh tế vẫn đang chững lại. Lạm phát châu Âu dự kiến tăng 1,1 điểm phần trăm lên lên 3,1% trong năm 2021, một phần do giá hàng hóa được dự báo tăng cao hơn. Tuy nhiên, lạm phát vẫn chạy quanh hoặc thấp hơn so với mục tiêu đề ra, nhưng điều này chỉ phần nào cho thấy uy tín của các ngân hàng trung ương lớn tại châu Âu, dù họ đã gượng dậy từ mức thấp lịch sử trong khu vực đồng euro.
"Phục hồi càng nhanh, người dân và doanh nghiệp càng ít bị thất nghiệp, chịu ảnh hưởng ít hơn từ việc hao hụt vốn nhân lực, đầu tư và nghiên cứu phát triển giảm sút", báo cáo của IMF nêu.
Các chuyên gia IMF cảnh báo, thời gian kéo dài của chính sách tiền tệ nới lỏng cũng có thể gây rủi ro về ổn định tài chính. Các biện pháp tài khóa để kích thích đầu tư, thúc đẩy và tái phân bổ việc sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của châu Âu cần nhắm đến mở rộng đối tượng hưởng lợi và tập trung vào cải thiện khả năng thanh toán của các doanh nghiệp (kể cả thông qua các công cụ kết hợp) thay vì hỗ trợ tăng thanh khoản khi nợ tăng lên.