Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn đối với tăng trưởng của nền kinh tế.
| ||
Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia |
“Lòng tin của các nhà đầu tư, các doanh nhân giảm sút nghiêm trọng và đây chính là điểm nghẽn của tăng trưởng và phát triển trong hai năm qua và có thể là cả các năm 2013 và 2014”, ông Ân phân tích và cho rằng, các động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội ở cả trong ngắn hạn, dài hạn đều đang rất yếu ớt.
“Chẳng hạn, cầu tiêu dùng suy giảm nhanh, từ chỗ hàng năm tăng trưởng trên 23-24%, đến năm 2012 chỉ còn 18% và 7 tháng đầu năm chỉ còn tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ yếu tố giá cả chỉ còn tăng 4,86%”, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia bày tỏ sự lo ngại.
Người dân chưa mấy tin tưởng vào tốc độ hồi phục của nền kinh tế, nên thắt chặt chi tiêu, dẫn tới sức mua giảm sút. Trong khi đó, một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, rất ít doanh nghiệp tin vào sự cải thiện của thị trường nội địa trong 6 tháng tới.
“Trong bối cảnh đấy, thì việc vốn đầu tư phát triển tăng chậm, tín dụng cho nền kinh tế tính đến ngày 24/7 chỉ đạt 4,91% là những vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, ông Ân phân tích và bày tỏ quan điểm rằng, chưa thể vội mừng trước các dấu hiệu có vẻ tốt lên của nền kinh tế.
Quả thực, nếu nhìn vào các con số thống kê, không thể phủ nhận những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình sản xuất công nghiệp đang từng bước được cải thiện, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2013 tăng 4,5%, quý II/2013 tăng 6% và tháng 7/2013 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, IIP tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Mặc dù vậy, một cách thẳng thắn, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng thừa nhận, những thành tựu của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm còn rất mong manh. “Nhìn vào bản chất bên trong, thì kinh tế vẫn đang rất khó khăn, cần phải nỗ lực rất lớn trong những tháng cuối năm”, Thứ trưởng Cao Viết Sinh nói.
Đúng là, nếu nhìn sâu vào các con số, cũng vẫn thấy những điều đáng lo ngại. Chẳng hạn, IIP của 7 tháng dù vẫn tăng 5,2% so với cùng kỳ, nhưng lại thấp hơn tới 1,2 điểm phần trăm của mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1/7/2013 ước chỉ tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với thời điểm 1/1/2013. Nhưng lý do chỉ số tồn kho giảm lại cũng có thể xuất phát từ việc sản xuất tăng chậm dần.
Liên quan tới vấn đề này, có thể nhìn vào một động thái mới đây để không khỏi quan ngại. Đó là sau khoảng 2 tháng có nhập siêu và nhập siêu khá mạnh trong tháng 5, khiến kỳ vọng về việc sản xuất trong nước hồi phục, thì sang tháng 6 và tháng 7, xuất siêu đã quay trở lại.
Con số không lớn, tương ứng trong hai tháng 6 và 7, là 287 triệu USD và 200 triệu USD, và tính chung lại sau 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu 733 triệu USD, nhưng cũng có thể lại là dấu hiệu cho thấy, nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho sản xuất đã tăng chậm lại. Thậm chí, trong tháng 6/2013, xuất khẩu đã giảm 5,7%, còn nhập khẩu giảm 12,3% so với tháng trước.
Ở một nền kinh tế phụ thuộc vào nguyên, vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, mà nhập khẩu giảm, là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước đình trệ. Và điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của 6 tháng cuối năm.
Hà Nguyễn