Kinh tế Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 2,4% trong quý II/20203. Ảnh: AFP |
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II/2023 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo trung bình tăng 2% của Dow Jones. Trong quý I, GDP của Mỹ tăng 2%.
Các thị trường đã phản ứng tích cực sau thông tin tăng trưởng quý II, với cổ phiếu mở cửa đón sắc xanh còn lợi tức trái phiếu kho bạc cũng tăng lên.
Mức tăng trưởng vững chắc trong quý II được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng với sự gia tăng đầu tư cố định phi dân cư, cùng chi tiêu của chính phủ và lượng hàng tồn kho.
Quan trọng hơn là lạm phát đã được kiểm soát trong suốt quý II khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa dùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng 4,1% của quý I và bỏ xa dự báo tăng 3,2% của Dow Jones.
Chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng 1,6% trong quý II và chiếm 68% GDP trong quý. Dù mức tăng chi tiêu tiêu dùng quý II thấp hơn mức tăng 4,2% của quý I nhưng vẫn cho thấy khả năng phục hồi trong bối cảnh lãi suất cao và lạm phát dai dẳng.
Với kết quả tăng trưởng quý II, nền kinh tế Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên, bất chấp một loạt đợt tăng lãi suất của Fed trong khi hầu hết các nhà kinh tế ở Phố Wall và thậm chí một số quan chức Fed đều cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ suy giảm.
"Thật tuyệt khi có thêm một quý tăng trưởng GDP dương khi tỷ lệ lạm phát liên tục chậm lại", ông Steve Rick, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn bảo hiểm và đầu tư TruStage (Mỹ), nhận xét.
"Sau khi lãi suất tăng trở lại vào ngày hôm qua (ngày 26/7), thật đáng mừng khi chu kỳ tăng lãi suất tích cực đang diễn ra trong lúc lạm phát tiếp tục giảm. Người tiêu dùng đang được giảm bớt chi phí gia tăng đối với hàng hóa thiết yếu và nền kinh tế Mỹ đang có một khởi đầu mạnh mẽ hơn trong nửa đầu năm nay", ông Rick nói thêm.
Kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương kể từ quý II/2022 khi GDP sụt giảm 0,6% và đánh dấu quý tăng trưởng âm thứ hai liên tiếp, một dấu hiệu kỹ thuật để xác định suy thoái.
Các số liệu quý II cũng thể hiện sự tăng trưởng trên diện rộng. Tổng đầu tư tư nhân trong nước đã tăng 5,7% sau khi giảm 11,9% trong quý I. Đầu tư trang thiết bị tăng 10,8% trong khi đầu tư công trình tăng 9,7%.
Chi tiêu của chính phủ Mỹ trong quý II cũng tăng 2,6%, trong đó chi tiêu quốc phòng tăng 2,5% và chi tiêu ở cấp tiểu bang và địa phương tăng 3,6%.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các đơn đặt hàng lâu bền như xe cộ, máy tính và thiết bị gia dụng đã tăng 4,7% trong tháng 6/2023, cao hơn nhiều so với ước tính 1,5%. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần là 221.000, giảm 7.000 và thấp hơn ước tính 235.000 đơn.
Bảng lương phi nông nghiệp - bức tranh khái quát thị trường việc làm Mỹ - đã tăng gần 1,7 triệu kể từ đầu năm đến nay và tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 vẫn giữ nguyên ở mức 3,6% của một năm trước.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ vẫn duy trì mức chi và tâm lý người tiêu dùng đã được cải thiện trong những tháng gần đây. Kết quả khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý trong tháng 7/2023 đã đạt mức cao nhất trong gần hai năm.
Các nhà kinh tế dự đoán rằng các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ khiến tín dụng bị thu hẹp, sau đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng trong năm qua. Thực tế, Fed đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 và lần gần đây nhất là vào ngày 26/7 với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, khiến lãi suất cho vay cơ bản của Mỹ lên mức cao nhất trong hơn 22 năm.
Giới giao dịch cho rằng đợt tăng lãi suất vào ngày 26/7 sẽ là đợt cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt của Fed, mặc dù các quan chức tiền tệ hàng đầu của Mỹ như Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, khẳng định rằng đường lối chính sách trong tương lai vẫn chưa được quyết định.
Sau đợt tăng lãi suất ngày 26/7, Fed đã mô tả mức tăng này là "vừa phải" và là một sự gia tăng nhẹ so với sự "khiêm tốn" trong tháng 6 khi mà cơ quan này quyết định giữ nguyên lãi suất.
Dẫu vậy, các dấu hiệu cảnh báo biến cố của kinh tế Mỹ vẫn hiện hữu. Các thị trường vẫn đặt cược rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm tăng cao hơn nhiều so với trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Hiện tượng đó, được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, gần như là dấu hiệu hoàn hảo cho thấy một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong 12 tháng tới.