Thương lái, doanh nghiệp gồng lỗ
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết giá cà phê tăng nhanh khiến doanh nghiệp xuất khẩu trở tay không kịp. Bởi hợp đồng đã ký buộc các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài vẫn phải mua để giao hàng. Trong khi giá thì cứ tiếp tục tăng hàng ngày và nguồn cung bán ra “nhỏ giọt”, khiến các công ty mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký lỗ chưa từng có.
Với giá cà phê tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê đối mặt với khó khăn và lỗ nặng. (Ảnh: G.H) |
Với kinh nghiệm kinh doanh cà phê hàng chục năm nay, ông Thông cho rằng, trong 3 tháng đầu vụ, các công ty xuất khẩu, các nhà traders nước ngoài, FDI thường bán trước đến 50% sản lượng và vào trong vụ thì mua. Tuy nhiên, các công ty bán trước giá rẻ và vào trong vụ lúc các công ty mua thì giá cà phê được đẩy lên cao liên tục. Tháng 11/2023 có giá từ 59.000 - 60.000 đồng/kg, thì tháng 12/2023 là 62.000 đồng/kg và 69.000 đồng/kg. Đến tháng 1/2024 là 70.000 đồng/kg và 82.000 đồng/kg đến đầu tháng 3 là 86.000 đồng/kg và đã lên 94.500 đồng/kg. Thêm vào đó, khi bán, các công ty xuất khẩu cũng mua từ các nhà cung cấp hay gọi là thương lái và nhiều công ty mua từ hàng ngàn tấn đến chục ngàn tấn.
“1 tấn cà phê doanh nghiệp phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng, mà hợp đồng cà phê thì hàng trăm đến hàng ngàn tấn. Số tiền lỗ không biết bao nhiêu mà kể. Vậy đó được mùa được giá, mà các công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài, nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, trả giá vô cùng lớn”, ông Thông cho hay.
Về phía thương lái, họ mua lại mua của dân và khi dân thấy giá cao không giao hàng đã ký, thương lái lỗ lớn hay phá sản và họ cũng không có tiềm lực tài chính để giao cho công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài cho những hợp đồng đã ký. Rất nhiều nhà xuất khẩu đi đòi hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn đã mua rồi thậm chí đã nhận cọc mà không được giao hàng, họ khó khăn chồng chất.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Anh, một thương lái thu mua cà phê lớn bậc nhất Lâm Đồng với sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm và cung ứng chủ yếu cho các “ông lớn” xuất khẩu cho biết, do tác động của tình hình thời tiết như Tây Nguyên không có mưa gây hạn hán, mực nước giảm… kèm theo một số nguyên nhân cung cầu bất đối xứng hiện nay đẩy giá cà phê liên tục vượt nhiều mốc kỷ lục.
“Theo khảo sát 3.000 hộ dân cung ứng hàng cho doanh nghiệp, thì mùa vụ 2024-2025, sản lượng sẽ hao hụt khoảng 20% do tác động của thời tiết. Đồng thời hiện nay nhiều doanh nghiệp rang xay nội địa mua để đầu cơ cũng như lấp kho cho khoảng thời gian tháng 7-10 không có hàng, đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung và khó bình ổn giá”, ông Bảo lý giải.
Ông Bảo cho biết thêm, những nguồn “nắm” cà phê hiện không tung ra thị trường hoặc cũng chỉ tung ít cộng thêm sớm nhất khoảng tháng 9-10 mới đến thời gian thu hoạch vụ 2024-2025 và rộ hàng cũng phải tháng 11, khiến phần lớn thương lái không có khả năng giao trả hàng cho doanh nghiệp. Từ đó kéo theo hiệu ứng “domino” là doanh nghiệp xuất khẩu không trả được đơn đã ký dẫn đến mất hoặc đền cọc.
Cách để liên kết nguồn cung
Ở góc độ Hiệp hội, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, trong lịch sử ngành cà phê nước ta chưa bao giờ giá cà phê tăng như vậy. Việt Nam đang là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 của thế giới, đồng thời mặt hàng này cũng là sản phẩm thiết yếu, chỉ đứng sau lương thực ở nhiều quốc gia, nhất là tại châu Âu cộng thêm nguồn cung trong nước liên tục thiếu sẽ tiếp tục đẩy giá cà phê lên cao trong thời gian tới.
Ông Bảo cho biết, tại vùng thu mua Lâm Đồng, hiện nay mùa vụ về cơ bản đã thu hoạch và phơi hái xong hết. Đa phần các nông hộ có điều kiện kinh tế tốt nhờ nguồn thu của các cây xen canh như sầu riêng, hồ tiêu nên họ vẫn đang chờ cà phê tăng giá mới bán.
Ông Bảo nhận định nhận định, khi thị trường cà phê biến động giá nhanh từ mốc 57.000 đồng/kg vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 đã thay đổi tăng hơn 45% giá vốn. Điều này không những gây ra khó khăn cho các nhà thương mại bởi vì khi giá tăng cao thì chi phí vốn rất lớn. Đặc biệt là khi giá tăng đột ngột như vậy thì tâm lý người dân cũng như các đơn vị thu gom ( thương lái ) sợ rủi ro về phương thức thanh toán trả sau, hoặc ký gửi tại các đơn vị thu mua.
Ở khía cạnh doanh nghiệp sản xuất thì càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn như: vòng xoay vốn thấp, họ phải tăng rất nhiều các loại chi phí, cụ thể như: chi phí sản xuất, nhân công, chi phí lãi vay ngân hàng, chi phí vận chuyển thậm chí đã gấp đôi so với các nhà thương mại, chi phí khấu hao máy móc, chi phí cơ hội,....
“Doanh nghiệp thương mại có vòng xoay vốn nhanh, giảm được các chi phí như hao hụt kho, lưu kho, vận chuyển về kho, bốc xếp, nhân công, chi phí khấu hao máy móc, chi phí cơ hội. Điều này giúp doanh nghiệp vẫn có cách để thích nghi trong thị trường đầy biến động”, chủ Công ty Bảo Anh phân tích.
Là doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực nông sản như cà phê, hồ tiêu, kinh doanh đầu tư phân bón, ông Bảo cho hay: “Khi thị trường biến động giá mạnh chính là lúc chúng tôi phải thay đổi mọi kế hoạch, chiến lược thu mua hàng hóa. Ai ai đều rất thận trọng khi giá biến động cao, rủi ro không thu gom được hàng là rất lớn và có thể đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi vào tình trạng " tiến thoái lưỡng lan, ngàn cân treo sợi tóc”.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung từ phía các nông hộ, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh sự liên kết với người nông bằng cách đầu tư phân bón, cho họ vay tiền để trang trải sinh hoạt cuộc sống cũng như trồng trọt.
Chính nhờ phương thức này nên dù thị trường liên tục biến động, Công ty Bảo Anh vẫn đảm bảo nguồn cung 10.000 tấn/năm cho Vĩnh Hiệp mỗi năm cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam khác trước bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê hiện hữu.