Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, các sản phẩm thịt và thủy sản nước ngọt cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với các loại nông sản khác, Hà Nội chỉ tự cung ứng được từ 20% - 70%.
Để giải quyết phần thiếu hụt, thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó bảo đảm nguồn cung phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ lớn này.
Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. |
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, mặc dù năm 2024 ngành nông nghiệp Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (bão Yagi), gây thiệt hại lớn cho diện tích cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 2,52% so với năm trước.
Hà Nội hiện có khả năng tự cung ứng đầy đủ các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt, trong khi các sản phẩm nông sản và thực phẩm khác chỉ đáp ứng được một phần.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân thủ đô, Hà Nội đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, xây dựng và phát triển 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng, với 330 chuỗi được bổ sung trong năm 2024. Tất cả các chuỗi cung ứng này đều được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc tương đương, trong đó có 45% số chuỗi đạt tiêu chuẩn như VietGAP, HACCP, ISO 22000 hoặc sản xuất hữu cơ.
Các kênh phân phối lớn như siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ và hội chợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội. Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, thành phố đã dự trữ một lượng hàng hóa lớn bao gồm: gần 300.000 tấn gạo, hơn 59.000 tấn thịt lợn, gần 20.000 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng, hơn 331.000 tấn rau củ, và hàng trăm nghìn tấn trái cây, thủy sản, thực phẩm chế biến.
Các vùng rau trọng điểm của Hà Nội như Mê Linh, Gia Lâm đang vào vụ thu hoạch lớn nhất năm. |
Tại hội nghị, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao về công tác chuẩn bị nguồn cung nông, lâm, thủy sản của Hà Nội. Chăn nuôi của Hà Nội phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đối với rau vụ đông của Hà Nội, hiện có khoảng 33.000ha, tăng 4.000ha so với cùng kỳ năm trước, nên nguồn cung rau cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ dồi dào.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng nông nghiệp Hà Nội cần phát triển theo hướng đặc thù, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu người dân thủ đô. Chăn nuôi bò, trâu, lợn, gà được định hướng phát triển tại các trang trại công nghệ cao, trong khi lĩnh vực trồng trọt tập trung vào lúa dinh dưỡng và quy hoạch vùng sản xuất lớn.
Về an toàn thực phẩm, các sở, ngành Thành phố được giao nhiệm vụ theo dõi sát sao tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, và giá cả, từ đó đưa ra các phương án ổn định thị trường và nguồn cung thực phẩm thiết yếu. Thành phố cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Hà Nội trong việc bảo đảm nguồn cung nông, lâm, thủy sản. Ông lưu ý, Hà Nội cần tăng cường kiểm tra đột xuất vào các thời điểm cao điểm như dịp Tết, đặc biệt tại các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ.
Công tác truyền thông về an toàn thực phẩm cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ổn định thị trường.
Cùng ngày, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc tại Công ty Cổ phần CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ) và một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội để đánh giá thực tế về công tác bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm.