Dự báo, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực trở lại, tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 8%. Ảnh: Đức Thanh |
Tăng trưởng GDP 2024 có thể đạt 6,8-7%
Hơn 2/3 chặng đường năm 2024 đã qua đi. Dù khó khăn, thách thức còn rất lớn, trong bối cảnh kinh tế thế giới và cả trong nước có nhiều yếu tố bất định, song dự báo, 2024 sẽ là năm mà kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế cũng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra, mà một trong số này chính là tăng trưởng GDP.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sau mức tăng trưởng 5,87% của quý I, 6,93% của quý II và với việc nhiều địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm, như Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,49%), Hải Phòng (10,32%)…, thì tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 6,8-7%.
Trên thực tế, ngay sau khi con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 6,42% được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024. Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP là 6,5% - cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị; còn kịch bản 2, tăng trưởng 7%.
Đưa ra 2 kịch bản, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải, kiến nghị này dựa trên 6 yếu tố. Đó là xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư nước ngoài duy trì được đà tăng trưởng tích cực; khả năng duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...
Thêm vào đó là nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương... “Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hơn hai tháng đã qua đi, xu hướng của nền kinh tế ngày càng tích cực hơn. Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng cho thấy, nền kinh tế tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. “Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo như vậy hôm Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2024.
Từ các kết quả hiện tại, dự báo thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng GDP cả nước ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%) và vượt cả dự báo của các tổ chức quốc tế, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Thậm chí, nỗ lực để đạt được mức cao hơn 7% cũng đã được đặt ra.
Ngoài chỉ tiêu tăng trưởng GDP, một số chỉ tiêu khác cũng dự kiến đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đó là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (dự kiến dưới 4,5%); tốc độ tăng năng suất xã hội (dự kiến đạt 5,56%, vượt mục tiêu đề ra 4,8-5,3%)…
Nỗ lực để về đích
Trong 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024, có một chỉ tiêu khá quan trọng, có thể không đạt mục tiêu đề ra, đó là chỉ tiêu GDP bình quân đầu người. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dự kiến năm nay con số đạt được khoảng 4.647 USD, xấp xỉ mục tiêu đề ra (4.700-4.730 USD).
- Ông Heng Koon How, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore
Lý giải về con số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc không đạt chủ yếu do biến động tỷ giá. “Đây là nguyên nhân khách quan khi đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với USD từ đầu năm đến nay”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tháng cuối năm, trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, trong nước tỷ giá ổn định và giảm dần, phù hợp với diễn biến thị trường và nếu tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn 7%, thì đến cuối năm, có thể đạt được chỉ tiêu này, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo đà phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Liên quan đến vấn đề trên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, phấn đấu đạt và vượt cả 15/15 chỉ tiêu kế hoạch.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc trông chờ các động thái từ Mỹ, cũng như từ kinh tế toàn cầu, thì một trong những yếu tố quan trọng là phải làm sao đạt mức tăng trưởng trên 7%. Đây là một bài toán đòi hỏi sự nỗ lực của toàn nền kinh tế.
Theo dự báo, năm 2024, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực trở lại, tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 8% và tiếp tục là động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ cũng được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có thể đạt 7%. Khu vực nông - lâm nghiệp có thể sẽ khó khăn hơn, sau những ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Tuy vậy, triển vọng của nền kinh tế vẫn khả quan.
Dự báo của các tổ chức quốc tế, như WB, IMF, ADB và OECD cũng đều nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5-1,0 điểm phần trăm, lần lượt ở các mức 5,5%; 5,8%; 6,0% và 6,0%. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên mức 6,5% (trước đó là 6%). Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng điều chỉnh mức tăng trưởng của Việt Nam tăng lên 6,3% năm 2024.
Nhưng giải pháp và nỗ lực thực thi giải pháp để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,8-7%, thậm chí hơn 7% mới là quan trọng nhất.
“Thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; đồng thời, tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và nhấn mạnh, phải xác định đây là nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm, trọng điểm trong những tháng cuối năm 2024 cũng như cả năm 2025.
Các giải pháp quan trọng khác là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, chất lượng, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn…; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...