TS. Lê Duy Bình và TS. Vũ Tiến Lộc trong Chương trình Đối thoại Đầu tuần của Báo Đầu tư. |
Trao đổi tại Chương trình Đối thoại đầu tuần của Báo Đầu tư với chủ đề Doanh nghiệp trông chờ quyết sách từ Nghị trường, TS. Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam dẫn số liệu cho thấy 9 tháng đầu năm bức tranh nền kinh tế Việt Nam khá tươi sáng.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,83%; lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đạt 15,43 tỷ USD, là số vốn thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua; kim ngạch xuất khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước bất chấp những đứt gãy của chuỗi cung ứng,…
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, bức tranh này vẫn có những điểm xám cần chú ý.
“Chúng ta cần nhìn vào con số 1 tháng trung bình có hơn 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đó là con số đáng kể. 12.000 ý tưởng không được thực hiện như kỳ vọng, tương ứng những số vốn bỏ vào sản xuất kinh doanh không phát huy được hiệu quả”, ông Bình chia sẻ ttrong Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện.
Ông cũng dẫn lại số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy có tới 25% doanh nghiệp sản xuất nhìn nhận tình hình sắp tới sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong các ngành có sự giao thương lớn với thế giới như ngành gỗ, may mặc,…Suy thoái toàn cầu, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng khiến “một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp gặp khó khăn, đối diện nguy cơ phá sản”, vị chuyên gia đánh giá.
Đồng quan điểm với ông Bình, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tại quốc tế Việt Nam cũng khẳng định dù bức tranh vĩ mô khởi sắc, nhưng không ít các doanh nghiệp đang rất khó khăn; đồng thời nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.
Ông Lộc lấy ví dụ liên quan đến vấn đề vốn của doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện nghị quyết của chính phủ về gói phục hồi kinh tế, mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả tương đối khiêm tốn. Toàn bộ nguồn vốn dành cho gói hỗ trợ đó tính đến cuối tháng 8 mới giải ngân được khoảng 20%.
Hay như gói hỗ trợ giảm lãi suất 2%, chỉ 1/3 gói đã được thực hiện. Điều này, theo ông Lộc, đồng nghĩa các gói hỗ trợ vẫn còn nhiều dư địa cần khai thác. Nếu đẩy nhanh tiến trình, nguồn vốn này có thể là sự tiếp sức hiệu quả cho doanh nghiệp.
Một vấn đề khác được vị đại biểu Quốc hội nêu ra đó là mục tiêu giảm 0,5-1% lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành trong tháng 9 vừa qua. Điều này khiến mục tiêu giảm lãi vay cho doanh nghiệp trở nên khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát đang tăng cao trên thế giới.
Ngoài ra, quy hoạch tổng thể một số ngành vẫn còn gặp vấn đề. Ví dụ với ngành điện, ông Lộc cho rằng quy hoạch điện chậm, nguy cơ thiếu điện cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới đang hiển hiện trước mắt. Nếu muốn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, Nhà nước cần đảm bảo quy hoạch điện năng trong khi việc quy hoạch hiện nay còn rất lúng túng.
“Chúng ta cần giải quyết các vấn đề trên, từ đó mới tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
“Virus sợ sai”
Tại cuộc đối thoại, các diễn giả đồng ý không chỉ virus Covid-19 là mầm mống nguy hiểm mà một loạt virus khác cũng đang tồn tại, đó là “virus sợ sai”.
Ông Lộc cho biết thời gian qua, quá trình chống tham nhũng, đẩy mạnh xử lý doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm đã trả lại sự công bằng cho môi trường kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, ông nhìn nhận đang tồn tại hiện tượng nhiều cấp, ban ngành sợ trách nhiệm, lo cho sự an toàn của mình, nên việc giải quyết thủ tục hành chính, phê duyệt dự án cho các doanh nghiệp hiện rất chậm trễ.
Vị chuyên gia nhìn nhận trong công tác xây dựng pháp luật, các cơ quan điều hành lại chính là cơ quan soạn thảo, xây dựng luật nên “họ có xu hướng lo cho sự an toàn của mình, các quy định cứ thật chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho mình”. Tuy nhiên điều này sẽ đẩy khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp.
“Nếu muốn cải thiện tận gốc rễ việc xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp thì phải thay đổi chính cách thức làm luật. Bây giờ, có lẽ bước đi đầu tiên của các bộ ngành là khi phân công làm luật, bộ phận trực tiếp quản lý, cấp giấy phép,…không nên là bộ phận soạn thảo văn bản, mà nên giao cho các bộ phận trung gian, ví dụ viện nghiên cứu hay vụ pháp chế, nghĩa là chúng ta cần một đơn vị độc lập”.
“Đó là yếu tố căn bản để có một hệ thống pháp luật thật sự thuận lợi, an toàn cho người dân trong thời gian tới”.
Trong khi đó, TS, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình đánh giá ngoài những rủi ro từ trị trường, những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng đối mặt với rủi ro liên quan đến pháp lý, khi có sự thay đổi về chính sách, về cách thưc điều hành của cơ quan chính phủ.
Vì vậy, theo vị chuyên gia, trong kỳ họp Quốc hội sắp tới đây, nhiều doanh nghiệp mong muốn ngoài xử lý rủi ro thị trường, Quốc hội cần nhìn nhận rủi ro về thể chế, về quy định pháp luật liên quan đến quá trình điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, dù đó là cơ quan cấp bộ hay cấp địa phương để điều chỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.