Doanh nghiệp
Kinh tế số: 5G sẽ là “hạ tầng của hạ tầng”
Hữu Tuấn - 18/01/2020 08:59
5G sẽ là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số, có ý nghĩa chiến lược quốc gia. Điều này đã được xác định rõ tại Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông năm 2020 vừa được ban hành.
5G sẽ là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số.

Mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng

Chỉ thị số 01/CT-BTTTT khẳng định: mục tiêu của ngành thông tin và truyền thông là chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng ICT, phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy chuyển đổi số.

Theo đó, năm 2020, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ; xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022; đồng thời, đấu giá, cấp giấy phép băng tần thông tin di động 2.6 GHz để nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ dịch vụ thông tin di động.

Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số; làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như:  5G, IoT, Big Data, AI…

“Mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng. Các doanh nghiệp viễn thông mang trong mình sứ mệnh của doanh nghiệp nền tảng với trách nhiệm xã hội bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải sạch”, Chỉ thị nêu rõ.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G vào năm 2020.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Chính phủ đang có chiến lược Make in Vietnam và coi đó là con đường tất yếu để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Đối với công nghiệp viễn thông, sẽ đặt mục tiêu sản xuất chipset cho mạng 5G và các thiết bị IoT. Chính phủ đã có chính sách ưu đãi sản xuất chipset 5G, IoT vì đây là lĩnh vực công nghệ cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự vui mừng khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được thiết bị 5G.

“Hiện trên thế giới chỉ có 5 nước làm được điều này, vì thế, đây là thành công rất đáng mừng. Trong lĩnh vực viễn thông, cung cấp dịch vụ 5G, Việt Nam kiên quyết không để chậm hơn so với thế giới. Bởi 5G là nền tảng, là hạ tầng để phát triển các ứng dụng công nghệ mới”, Thủ tướng nói.

Các doanh nghiệp sẵn sàng “cuộc chơi” 5G

Để chuẩn bị phổ cập, thương mại hóa công nghệ 5G, cuối tháng 12/2019, Viettel và Vingroup đã công bố tự nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G - sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam. Đây là thành quả quan trọng, có ý nghĩa lớn khi doanh nghiệp Việt đã chủ động làm chủ công nghệ phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, năm 2020, Viettel đặt mục tiêu thử nghiệm thành công thiết bị hạ tầng mạng viễn thông 5G do Viettel nghiên cứu, sản xuất trên mạng lưới tại Việt Nam.

“Công nghệ 5G rất quan trọng với sự phát triển, bởi nó tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số, ứng dụng IoT để xây dựng các thành phố thông minh, xã hội thông minh”, ông Dũng nhận định.

Được biết, Viettel đã bố trí 300 kỹ sư công nghệ thông tin có nhiều kinh nghiệm (trong tổng số 1.000 kỹ sư của Tập đoàn) cho chương trình nghiên cứu sản xuất 5G, phê duyệt dự toán ngân sách tới 500 tỷ đồng cho việc phát triển Microcell 5G và đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn đã hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về nghiên cứu sản xuất chipset, phần cứng, phần mềm cho 5G.

Viettel cũng sẽ thử nghiệm dịch vụ Microcell 5G (vào khoảng tháng 6/2020) và Marcrocell 5G trên mạng lưới của Viettel. “Toàn bộ phần cứng và phần mềm cho thiết bị 5G đều được Viettel nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Viettel cam kết sẽ theo đuổi chương trình 5G này”, đại diện Tập đoàn khẳng định.

Giống như Viettel, VinSmart (thuộc Vingroup) cũng đang tập trung nghiên cứu và sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT; đồng thời, xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G cùng các thiết bị viễn thông 5G.

Ông Ngô Hoàng Anh, Trưởng phòng Phần mềm nhúng - Viện Nghiên cứu thiết bị viễn thông (VinSmart) cho biết, dự kiến, đến tháng 7/2020, sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên của VinSmart sẽ ra mắt và đến tháng 8/2020, VinSmart bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. VinSmart cũng đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G.

Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, hạ tầng 5G là yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể bắt kịp sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và hoàn thành chuyển đổi số quốc gia. 

“Công nghệ kết nối thế hệ mới này chính là chìa khóa mở ra các cơ hội mới, tạo ra các mô hình vận hành kinh doanh mới có khả năng làm thay đổi nền kinh tế, giúp Việt Nam bứt phá, trở thành một nước lớn mạnh về công nghệ”, ông Nam nhận định.

Tin liên quan
Tin khác