Các chuyên gia dự báo kinh tế thế giới khó có thể tăng tốc khi bất ổn do Covid-19 chưa dứt. |
Vết thương suy thoái của kinh tế thế giới có thể mất nhiều tháng nếu không muốn nói là mất cả năm mới lành lặn. Vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu nằm ở diễn biến dịch Covid-19 theo từng tháng, mà không hẳn từng quý. Hoạt động kinh tế thế giới bên ngoài Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng trong hai tháng 3 và 4. Khi lệnh phỏng tỏa được gỡ bỏ, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã hồi phục từ tháng 5 và tăng tốc đáng kể trong tháng 6 và tháng 7.
Có thể thấy rõ diễn biến này tại Vương quốc Anh. Theo số liệu mới công bố, kinh tế Anh trong tháng 7 tăng trưởng 6,6% so với tháng 6 và tăng 8,7% so với tháng 5. Đà tăng này có thể đưa nền kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng 15% trong quý III, sau cú trượt dốc 20,4% trong quý II.
Tuy nhiên, nếu so với tháng 2 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 càn quét, kinh tế Anh vẫn suy giảm tới 11,7%. Các ngành dịch vụ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại Anh còn trượt sâu tới 12,6% so với tháng 2, còn sản lượng công nghiệp giảm 7%.
Các số liệu trên càng củng cố niềm tin của nhiều chuyên gia kinh tế rằng đà hồi phục trở lại như trước đại dịch Covid-19 là rất chậm, nhất là ở các quốc gia giàu có - nơi mà Covid-19 đã tàn phá mọi thứ từ du lịch, vận tải đến giải trí và thị trường việc làm.
Trong quý III, sức phục hồi của nền kinh tế Anh và kinh tế toàn cầu nói chung sẽ khiêm tốn hơn do dịch bệnh tiếp tục tác động xấu tới doanh nghiệp, người lao động và các chính phủ do vaccine chính thức kháng Covid-19 vẫn chưa thể đoán định.
"Chừng nào các nền kinh tế lớn không cần phải phong tỏa, nền kinh tế toàn cầu mới có thể duy trì đà hồi phục, nhưng khó có thể hồi phục một cách ngoạn mục như đợt mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh vài tháng trước", Gilles Moëc, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty bảo hiểm Axa nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, “những khó khăn giờ mới lộ diện”.
Các nhà phân tích nhận định, nền kinh tế Anh có thể đạt quy mô như trước dịch vào năm 2022, bởi Anh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong số các cường quốc trong quý II/2020, trong khi sức hồi phục kinh tế của Anh cũng chỉ tương tự như nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Theo đánh giá của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại thành phố Atlanta, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà tăng trưởng 7% trong quý III, sau khi trôi dốc 9,1% trong quý II. Sang đến quý IV, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 1,25% và đạt quy mô như trước dịch vào đầu năm 2022.
Nền kinh tế thế giới hứng chịu quý suy thoái thứ 2 liên tiếp trong quý II do các lệnh phong tỏa trên diện rộng và giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 đã “hạ gục” nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ trên toàn cầu.
Kinh tế của nhóm G20 - nhóm các quốc gia hùng mạnh chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới - suy giảm 3,4% trong quý I/2020, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1998. Nhưng, sang quý II mức giảm đó còn nặng nề hơn và “chưa có tiền lệ trong nhiều thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Thế chiến thứ Hai kết thúc.
Trong nội đăng tải trên blog hôm 11/9, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Philip Lane đã có đánh giá thận trọng rằng kinh tế châu Âu hồi phục chậm và tỷ lệ lạm phát vẫn còn thấp, nên vẫn có khả năng bơm thêm các gói kích thích kinh tế trong những tháng tới.
Ngoài ra, kết quả khảo sát của Công ty phân tích dữ liệu IHS Markit cho thấy tính đến hết tháng 8, đà phục hồi của kinh tế thế giới đã được duy trì trong 5 tháng liên tiếp. Khảo sát IHS Markit - “nhiệt kế” về hoạt động kinh doanh ở 45 quốc gia dựa trên phản hồi của các nhà quản trị mua hàng - đã đạt mức cao nhất trong 7 tháng qua.
Dẫu vậy đi kèm những con số tích cực, thì có những dấu hiệu bất ổn bủa vây kinh tế thế giới. Dịch Covid-19 tái phát mới đây khiến người dân ở Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Kazakhstan, Tây Ban Nha và Italy phải thắt chặt buộc bụng trong tiêu dùng và thận trọng hơn trong chống dịch. Đáng lo là những quốc gia này đóng góp tới 15% GDP toàn cầu.
Ông Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức cho rằng: "Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng suy thoái kinh tế lần này sẽ nhanh chóng kết thúc. Chúng tôi cho rằng có thể xuất hiện những trở ngại lớn như làn sóng doanh nghiệp phá sản và tỷ lệ thất nghiệp dâng cao". Điều này có nghĩa chính phủ và ngân hàng trung ương của các nước còn nhiều việc phải làm.
Trong khi đó, James Pomeroy, chuyên gia kinh tế tại HSBC tin rằng, nhiều khả năng các nền kinh tế sẽ tung thêm các gói kích thích kinh tế mới, ngoài một vài gói công bố gần đây. "Nếu không có những gói kích thích đó, ‘vết sẹo’ của cuộc khủng hoảng này sẽ càng hằn sâu và khoảng cách giữa chiến thắng và thất bại sẽ ngày càng lớn", James Pomeroy nói.