Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong ảnh: Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay đầu tiên được xây dựng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác rồi chuyển giao cho nhà nước (BOT). Ảnh: HH |
Thưa ông, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW), việc triển khai thực hiện được đánh giá như thế nào?
Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, là tổng hợp những kinh nghiệm, bài học quý báu của hơn 30 năm Đổi mới, là kế thừa có chọn lọc những thành tựu về phát triển kinh tế thị trường của nhân loại.
Tại Nghị quyết này, Đảng đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Đảng xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và cũng là lần đầu tiên, Đảng ta xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương |
Các quan điểm của Nghị quyết là rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá.
Tuy nhiên, khi chủ trương như vậy, thì cũng phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân. Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta là phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều bình đẳng.
Mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò, chức năng riêng của mình trong tổng thể nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể như tại Nghị quyết này, chúng ta đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do vậy, bên cạnh việc Đảng ta xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, thì Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân, nhất là những biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay biểu hiện về thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi.
Bên cạnh đó, Đảng ta luôn chăm lo, quan tâm đến việc bồi dưỡng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có ý thức chính trị; có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; có ý chí tự lực, tự cường; gắn bó với lợi ích của quốc gia, dân tộc với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cụ thể, đi vào các giải pháp của Nghị quyết số 10-NQ/TW, có thể nói khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang có những nền tảng mạnh mẽ để phát triển, thưa ông?
Tôi muốn đề cập 3 nội dung có ý nghĩa cốt lõi xuyên suốt 5 nhóm giải pháp mà Nghị quyết số 10-NQ/TW đã đặt ra.
Thứ nhất, là nhận thức, tư tưởng và hành động trong phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai, là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.
Về nhận thức, tư tưởng và hành động. Một mặt, chúng ta đã xác định rất rõ vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng, chúng ta cũng phải thấy được những mặt trái của kinh tế tư nhân, để có những giải pháp làm sao phát huy được mặt tích cực của kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội, cho lợi ích của quốc gia của dân tộc.
Mặt khác, cũng phải nhận diện rõ để hạn chế mặt tiêu cực, nhất là những biểu hiện mà chúng ta thấy khá phổ biến trong thời gian qua, như chủ nghĩa tư bản thân hữu, như lợi ích nhóm, như thao túng chính sách, như cạnh tranh không bình đẳng để trục lợi.
Nội dung thứ hai, là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng các công cụ chính sách và các nguồn lực của nhà nước để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển văn hóa – xã hội.
Còn thị trường đóng vai trò chủ yếu trong việc giải phóng sức sản xuất, trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Chúng ta có giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì mới góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Còn những giải pháp tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thưa ông?
Tôi cho rằng, nội dung này là hệ quả trực tiếp của hai nội dung nêu trên. Nếu chúng ta giải quyết tốt 2 nội dung nêu trên, nhất định ta sẽ có nội dung thứ ba phù hợp.
Trong nội dung này, liên quan đến những vấn đề cụ thể như là tạo dựng một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; xây dựng được một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ phát triển và xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân để cho tư nhân có thể phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta là phải mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động; phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Đó là nội dung cụ thể trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Chiếm trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm), tạo gần 2,3 triệu việc làm mới.
Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người (năm 2017: 44,9 triệu người).
Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40% (năm 2017: 40,6% và năm 2018: 43,27%).
Hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7-34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực
Thu ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Đến năm 2018, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước của kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa khu vực doanh nghiệp nhà nước.