- Hết tiến độ, 8 dự án trong các khu công nghiệp ở Lâm Đồng vẫn chưa hoàn thành
- Lâm Đồng công bố Quy hoạch tỉnh, doanh nghiệp đăng ký đầu tư hơn 125.000 tỷ đồng
- Sân bay Liên Khương - Lâm Đồng chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế từ 22/6/2024
- Lâm Đồng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
“Tụt dốc” chưa từng thấy
Từ đầu năm đến nay, kinh tế tỉnh Lâm Đồng “tụt dốc” chưa từng thấy. Hàng loạt vấn đề nổi lên như giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra (ước đến ngày 31/5/2024, số vốn giải ngân 934 tỷ đồng/7.316,934 tỷ đồng, đạt 12,8% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 3,4% kế hoạch); công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm (không có dự án đầu tư cấp mới trong 5 tháng đầu năm); tiến độ các công trình trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng (doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 33,1% so với cùng kỳ; doanh nghiệp giải thể, tăng 26,8% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, chỉ số cải cách hành chính (Par-Index), điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh đều giảm điểm (Par-Index năm 2023 đạt 86,02 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố, giảm 31 bậc so với năm 2022; PCI đạt 67,62 điểm, giảm 4,18 điểm so với năm 2022, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố)… Đó là chưa kể, khu vực I (nông, lâm, thủy) tăng trưởng thấp, khu vực III (dịch vụ) tăng trưởng không như kỳ vọng, đặc biệt khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng trưởng âm.
Trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Lâm Đồng không mấy “sáng sủa” . Trong ảnh là Quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Linh Đan |
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, như vậy, có thể nhận thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, việc tăng trưởng âm (-2%) của khu vực II (chiếm 23,11% tổng cơ cấu GRDP 6 tháng), khu vực III (chiếm 48,47% cơ cấu GRDP 6 tháng) tăng trưởng không cao dẫn đến tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm đạt rất thấp.
Tại buổi gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban ngành, trưởng phòng các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Lâm Đồng mới đây, ông Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhìn nhận, trên nhiều mặt điều hành quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng đang có những chỉ số “rất buồn”. Nếu như trước đây trong các tỉnh Tây Nguyên thì Lâm Đồng luôn đứng số 1 và top đầu cả nước về chỉ số GRDP nhưng 5 tháng đầu năm 2024 thì đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh thành; chỉ số PCI của Lâm Đồng năm 2022 đứng thứ 17 nhưng đến 2023 thì đứng thứ 56/63 tỉnh thành. “Nhiều người nói rằng là rơi tự do chứ không còn tụt nữa. Từ vị trí 17 xuống 56 là vấn đề mà không thể không tự hỏi tại sao chúng ta như thế này và không cho phép chúng ta lạc quan”, ông Học tâm tư.
Tức tốc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế
Trước tình hình này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp Cục Thống kê và các sở, ban, ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng với các mục tiêu cụ thể, trình UBND tỉnh xem xét.
Theo đó, Kịch bản 1 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,27%, không đạt kế hoạch năm 2024 (7,2% - 7,8%). Kịch bản 2 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,2% so cùng kỳ, đạt cận dưới kế hoạch năm 2024 (7,2% - 7,8%). Kịch bản 3 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5% so cùng kỳ, đạt mức trung bình của kế hoạch năm 2024 (7,2% - 7,8%).
Ngày 26/6, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã thay mặt UBND tỉnh thống nhất chọn Kịch bản 2. Cụ thể, Quý III/2024, tăng trưởng kinh tế đạt từ 9,15%, trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 6,13%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,88%; khu vực dịch vụ tăng 11,18%. Quý IV/2024 tăng trưởng đạt từ 10,31%, trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 5,54%; khu vực công nghiệp xây dựng tăng 18,08%; khu vực dịch vụ tăng 15,87%. Cả năm 2024 tăng trưởng đạt từ 7,20%, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng từ 5,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 6,55%; khu vực dịch vụ tăng từ 9,67%.
Trên thực tế, việc thực hiện kịch bản này là thách thức không nhỏ với tỉnh Lâm Đồng. Vì thế, ngay sau khi thống nhất chọn kịch bản, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách, để quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kịch bản nêu trên.