Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) |
Việt Nam đã thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để đẩy mạnh tiêu dùng và sản xuất. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Chương trình?
Do chính sách tiền tệ còn rất ít dư địa để điều hành (chênh lệch lãi suất so với các quốc gia khác có thể tạo ra áp lực tỷ giá), nên đã đến lúc chính sách tài khóa phải được tăng cường, tận dụng các chính sách thận trọng những năm qua. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là một bước tiến về mặt này và chúng tôi hoan nghênh sự tăng tốc gần đây trong triển khai đầu tư công. Đây là các vấn đề tồn tại lâu dài, đòi hỏi những cải cách sâu sắc hơn theo thời gian.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích ngành ngân hàng tăng cường cho vay như một biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Song nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và không muốn vay, thưa ông?
Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhu cầu vốn lưu động hoặc đầu tư của họ. Năm 2023, các doanh nghiệp đối mặt với nhu cầu bên ngoài yếu hơn và tăng trưởng tiêu dùng ảm đạm hơn, nên không muốn vay thêm ngay cả khi lãi suất giảm. Trong điều kiện như vậy, việc thúc đẩy quá mạnh để tăng tín dụng có thể dẫn đến một số khoản vay được cấp cho các dự án quá rủi ro, có thể gây ra nhiều vấn đề trong tương lai.
Việt Nam có tỷ trọng tín dụng khá lớn trong GDP sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng rất mạnh. Ngoài ra, nợ xấu ngày càng gia tăng. Để quản lý rủi ro đối với chất lượng tài sản, điều cần thiết là phải có quy định và giám sát ngân hàng phù hợp. Đó là lý do IMF khuyến nghị nên áp dụng các chính sách an toàn vi mô và vĩ mô mạnh mẽ và hiện đại.
Ông có khuyến nghị gì với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong năm 2024?
Chính sách tiền tệ phải gánh nhiều trách nhiệm và các trách nhiệm này không phải lúc nào cũng dễ dàng dung hòa được. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát được lạm phát, hạn chế tình trạng gián đoạn tỷ giá mà không làm thất thoát dự trữ ngoại hối. NHNN cũng phải đảm bảo ổn định tài chính trong môi trường tăng trưởng yếu, điều kiện tài chính thắt chặt sau các sự kiện trong nước, nước ngoài và không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất chính sách.
Thời gian tới, nhiều khả năng NHNN tiếp tục có rất ít dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và lời khuyên của chúng tôi là hãy thận trọng với sự ổn định tài chính và diễn biến lạm phát. Chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ tăng trưởng.
Cũng cần lưu ý, khuôn khổ chính sách tiền tệ cần được hiện đại hóa nhanh chóng để nâng cao hiệu quả hoạt động. NHNN nên loại bỏ các công cụ như trần tăng trưởng tín dụng, trần lãi suất tiền gửi và nên áp dụng các cơ chế dựa trên thị trường cùng với các biện pháp an toàn vĩ mô phù hợp, cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn.
Ông kỳ vọng gì về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024?
Tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng các điều kiện nói chung với Việt Nam sẽ thuận lợi hơn, cho phép kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn. Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ tăng lên 5,8%. Xuất khẩu tăng sẽ giúp sản xuất và các lĩnh vực xuất khẩu khác tăng tốc sau thời kỳ suy thoái năm 2023. Điều này cũng góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tiêu dùng.
Điều quan trọng là nhanh chóng giải quyết những điểm yếu có thể cản trở tăng trưởng, gồm giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động không mấy hiệu quả ở một số doanh nghiệp có thể gây tổn hại cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ảnh hưởng tới khả năng cho vay của các ngân hàng. Nếu tiếp tục thực hiện những cải cách và đầu tư cần thiết liên quan đến kinh tế và khí hậu, Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong trung hạn và trở thành nền kinh tế xanh hơn.