Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. |
Tín dụng tiêu dùng tăng chậm
Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng và Agribank đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội phải khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng...
Theo các chuyên gia kinh tế, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, từ đó kích cầu tiêu dùng là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay. Trong bối cảnh tín dụng sản xuất khó tăng trưởng, nhiều ngân hàng đã dựa vào tín dụng tiêu dùng để tăng trưởng.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư đầu tháng 8/2020, lãnh đạo Techcombank khẳng định, thời gian tới, Techcombank xác định cho vay bất động sản và cá nhân vẫn là trọng tâm. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm 44% cơ cấu dư nợ bán lẻ.
Không chỉ Techcombank, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là mua nhà, mua ô tô, sản phẩm điện tử, điện lạnh…
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng đen có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng không phải muốn là được. Tính đến cuối tháng 7/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45%, chưa bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho hay, tín dụng tiêu dùng, cho vay cá nhân còn tăng trưởng chậm hơn nữa.
“Thời gian tới, NHNN tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, song mức độ tăng trưởng đến đâu phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Hiện nhu cầu vay tiêu dùng của người dân rất yếu trong bối cảnh việc làm bấp bênh, thu nhập giảm do dịch bệnh. Dù vậy, các ngân hàng, công ty tài chính cũng không thể cho vay vô tội vạ, nếu không, nợ xấu sẽ tăng rất nhanh”, ông Hùng cho hay.
Ngân hàng, công ty tài chính cho vay thận trọng
Mặc dù được coi là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế và là lối ra hiếm hoi của ngân hàng, công ty tài chính trong bối cảnh hiện nay, nhưng tín dụng tiêu dùng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, ngay cả các công ty tài chính tiêu dùng cũng không dám liều lĩnh đẩy mạnh giải ngân bằng mọi giá trong thời điểm này.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit thừa nhận, Covid-19 đã tác động hủy diệt đến hoạt động cho vay tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng của FE Credit giảm nhẹ so với cuối năm 2019. Việc cho vay chậm lại không chỉ do nhu cầu của khách hàng yếu, mà bản thân các công ty tài chính cũng thận trọng hơn trong giải ngân do lo ngại nợ xấu.
“Chúng tôi tập trung bán hàng cho khách hàng hiện hữu để hạn chế rủi ro, đồng thời đẩy mạnh cho vay qua thẻ tín dụng. Hy vọng, doanh số giải ngân sẽ tăng nhẹ 6 tháng cuối năm nhờ sở hữu lượng khách hàng hiện hữu lớn. Chúng tôi cũng đang nỗ lực ra mắt ứng dụng mới, đa dạng hóa hệ sinh thái, từ đó tăng tỷ trọng sử dụng FE Credit trong ví khách hàng”, Tổng giám dốc FE Credit kỳ vọng.
Báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất của một số ngân hàng như MBBank, HDBank… cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc chậm hơn nhiều so với năm ngoái.
Ngoài đẩy mạnh bán hàng qua kênh số hóa hoặc thúc đẩy thẻ tín dụng, một số ngân hàng đang ra sức tận dụng hệ sinh thái của mình để thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, HDBank có hệ sinh thái HDBank - Vietjet Air - HD Saison, Techcombank có hệ sinh thái Techcombank - Vingroup - Masan…
Dù vậy, chỉ sự nỗ lực cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính chưa đủ để “đẩy” tín dụng tiêu dùng. TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, để việc kích thích cho vay tiêu dùng có hiệu quả, cần sự phối hợp của nhiều chính sách.
“Kích thích vay tiêu dùng phải gắn liền với đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời phải đưa ra các gói vay mua nhà ở xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy nhanh thực hiện các gói an sinh xã hội… Các ngân hàng, công ty tài chính cũng phải hiểu người tiêu dùng hơn, phải đánh giá được thói quen vay để tiêu dùng của người dân hiện nay là sự thay đổi trong ngắn hạn hay dài hạn”, ông Thành khuyến nghị.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV