Y tế - Sức khỏe
Kính thông minh cải thiện các bệnh về mắt
Nguyễn Hoàng Nam - 06/07/2024 23:56
Kính thông minh đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để cải thiện các bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, lão thị…
Ảnh minh họa Internet

Khác với kính đeo mắt truyền thống hay kính áp tròng dựa trên quy luật khúc xạ ánh sáng để tập trung ánh sáng một cách chính xác vào võng mạc, kính thông minh sử dụng thấu kính lấy nét động, cho phép thay đổi công suất quang theo thời gian thực. Loại kính mới này giúp điều chỉnh ngay lập tức theo nhu cầu thị giác của người đeo tại bất kỳ thời điểm nào, cho dù người dùng đang đọc sách, làm việc trên máy tính, hay nhìn vào một vật thể ở xa.

Ông Sean Yang, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Eyefiy Eyewear nhận định, kính thông minh sẽ trở thành giải pháp giúp phá vỡ ranh giới trong điều trị thị lực. Kính thông minh tận dụng sự kết hợp của các công nghệ như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), học máy (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI) để hoạt động.

Thông qua tính năng chồng các hình ảnh do máy tính tạo ra chế độ xem tổng hợp mang tính tương tác cao, kính thông minh mang đến cho người dùng trải nghiệm phong phú bằng cách phủ thông tin kỹ thuật số lên thế giới thực (thực tế tăng cường), hoặc tạo ra một môi trường mô phỏng hoàn toàn (thực tế ảo). Ngày nay, một số loại kính còn có khả năng tích hợp màn hình thu nhỏ bên trong ống kính.

Ra mắt vào năm 2013, eSight là thiết bị đeo được chế tạo dành riêng cho những người bị mất thị lực trung tâm. Sản phẩm hoạt động thông qua thuật toán phần mềm độc quyền để xử lý hình ảnh với độ tương phản, bộ lọc màu, độ phóng đại và độ sáng để tối ưu hóa hình ảnh khi xem. Năm 2017, Time Magazine đã vinh danh eSight là một trong 25 phát minh tốt nhất của năm.

Vài năm trở lại đây, các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như Google, Amazon và Facebook đã tham gia thị trường kính thông minh. Nhiều sản phẩm đang được thị trường đón nhận như Google Glass, Amazon Echo Frames và Facebook Ray-Ban Stories. Trong nước, một số sản phẩm hỗ trợ thị lực nghiên cứu thành công đã được triển khai ứng dụng vào thực tế.

Tiêu biểu như sản phẩm kính thông minh dành cho người khiếm thị do nhóm tác giả trẻ của Quỹ Tâm nguyện Việt nghiên cứu từ năm 2020. Về mặt cấu tạo, theo thông tin từ nhóm tác giả, sản phẩm được cấu thành bởi 12 bộ phận liên kết, bao gồm: bộ điều khiển cầm tay, mắt kính, pin, nút bấm, công tắc nguồn, máy tính Raspberry Pi, mạch sim, cảm biến khoảng cách, camera, micro, loa hoặc tai nghe và động cơ rung.

Về chức năng, bên cạnh việc định vị khoảng cách, xác định vật cản và mô tả không gian, sản phẩm còn có thể nhận dạng tiền mặt, đọc văn bản, hỗ trợ tra cứu thông tin thông qua trợ lý ảo tích hợp từ công nghệ AI. Sản phẩm được cấp bằng giải pháp hữu ích bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đang được sản xuất, cung cấp cho Hội Người mù TP.HCM và Hội Người mù quận 5.

Trong tương lai, kính thông minh hứa hẹn mở rộng ứng dụng tiềm năng trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kính thông minh AR hỗ trợ các cuộc phẫu thuật giúp nâng cao độ chính xác trong các thủ thuật điều trị y tế. Bên cạnh đó, liệu pháp VR được áp dụng trong điều trị chứng rối loạn ám ảnh, mang lại trải nghiệm phục hồi chức năng tuyệt vời cho người mắc.

Tin liên quan
Tin khác