Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có quy mô đầu tư lên tới gần 12 tỷ USD bao gồm nhiều dự án thành phần từ phát triển thượng nguồn, đường ống dẫn khí vào bờ và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn.
Cụ thể, Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 mét.
Ký kết Hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B |
Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW), ngoài ra còn có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau.
Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 22 tỷ kWh điện đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 30/10/2023, sau thời gian dài chậm triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự quyết tâm của Petrovietnam và toàn bộ các Bên trong Chuỗi dự án, các Bên liên quan trong Chuỗi dự án đã ký kết các Thỏa thuận Khung, các Biên bản Thỏa thuận và trao thầu gói thầu số 1 EPC thượng nguồn.
Trên cơ sở đó, Petrovietnam và các Bên đã thống nhất ký kết các Thỏa thuận cho Chuỗi dự án vào ngày 28/3/2024 làm cơ sở đảm bảo tiến độ chung cho toàn chuỗi dự án.
Các thỏa thuận được ký kết gồm có Hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B với các điều khoản cam kết mua bán khí Lô B giữa Chủ mỏ, gồm các Bên Bán là Petrovietnam, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty MOECO (Nhật Bản), Công ty PTTEP (Thái Lan), với Bên Mua (Petrovietnam). Lượng khí Lô B mỗi năm được các Bên cam kết giao nhận khoảng 5,06 tỷ m3 trong Giai đoạn bình ổn.
Ký kết Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa Các Chủ mỏ vàChủ Vận chuyển |
Thoả thuận thứ 2 là việc Petrovietnam thuê các Chủ vận chuyển (gồm các Bên: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Petrovietnam, Công ty MOECO, Công ty PTTEP), theo các điều khoản, điều kiện cam kết trong Hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B, nhằm vận chuyển toàn bộ lượng khí Lô B (khoảng 5,06 tỷ m3/năm) về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn (Cần Thơ).
Hợp đồng thứ 3 là Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa Các Chủ mỏ (gồm các Bên là Petrovietnam, PVEP, MOECO, PTTEP) và Chủ Vận chuyển (gồm các Bên: PV GAS, Petrovietnam, MOECO, PTTEP). Đây là hợp đồng dịch vụ để đấu nối các trang thiết bị của Chủ vận chuyển với giàn khai thác khí Lô B và Chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan để hỗ trợ Chủ vận chuyển trong suốt thời hạn hợp đồng.
Ký kết Hợp đồng bán khí Lô B giữa Bên Bán (Petrovietnam) với Bên Mua(EVNGENCO2) |
Lượng khí Lô B sau khi về đến bờ, sẽ được Petrovietnam phân bổ và cung cấp cho các Nhà máy điện tại khu vực Ô Môn. Hợp đồng bán khí Lô B giữa Bên Bán (Petrovietnam) với Bên Mua (Tổng Công ty Phát điện 2 - EVNGENCO2) sẽ cung cấp một phần khí Lô B cho Nhà máy điện Ô Môn I, với lượng khí mỗi năm khoảng 1,265 tỷ m3 trong Giai đoạn bình ổn.
Để việc triển khai chuỗi dự án được đồng bộ, đạt các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam và các Bên liên quan phải đối diện còn rất lớn.
Đó là điểm nghẽn trong các cơ chế chính sách huy động, vận hành hệ thống điện cho các nhà máy điện tiêu thụ khí Lô B; các vấn đề liên quan đến nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng cho dự án nhà máy điện Ô Môn III; sự tối ưu, rút ngắn thủ tục phê duyệt để tiến độ dự án nhà máy điện Ô Môn IV để đáp ứng yêu cầu của chuỗi dự án; hay là việc đàm phán và ký kết thỏa thuận mua bán điện của các Nhà máy điện sử dụng khí Lô B.
Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, là một bên tham gia vào chuỗi dự án, Petrovietnam luôn coi việc đưa Dự án Lô B vào khai thác là nhiệm vụ rất quan trọng và cần được thực hiện thành công. Việc phát triển Dự án Lô B sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia .
Với vai trò là chủ đầu tư của Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV, Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn mong nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong quá trình đàm phán, thống nhất các Hợp đồng mua bán điện, cũng như phối hợp cùng báo cáo Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi các Thông tư cần thiết để đảm bảo các Nhà máy điện sử dụng khí Lô B tiêu thụ hết lượng khí theo cam kết trong các hợp đồng mua bán khí liên quan.
Petrovietnam sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất triển khai các hạng mục công việc trong chuỗi dự án theo đúng tinh thần chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, đảm bảo đồng bộ về tiến độ giữa các khâu, các dự án thành phần để đảm bảo hiệu quả kinh tế của chuỗi dự án, phấn đấu có dòng khí đầu tiên của dự án trong thời gian sớm nhất.
- Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I công suất 660 MW thuộc EVN GENCO2 có kế hoạch chuyển sang sử dụng khí Lô B khi có nguồn.
- Dự án Nhà máy điện Ô Môn II, công suất 1.050 MW do Marubeni Corporation và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) đầu tư đã ký Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí với Petrovietnam vào tháng 2/2023.
- Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III hiện do Petrovietnam là chủ đầu tư, công suất 1.050 MW được cấp phép với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 27.596 tỷ đồng và mục tiêu phát điện thương mại vào quý IV/2027.
- Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV hiện cũng do Petrovietnam là chủ đầu tư sử dụng công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp, quy mô công suất khoảng 1.050 MW và các hạng mục dùng chung với Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III. Tổng mức đầu tư của Dự án là gần 30.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý I/2026.