Việc tiếp tục ký kết MOU về EPS trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác lĩnh vực lao động, việc làm |
Hợp tác theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài ( gọi tắt là Chương trình EPS).
Lễ ký kết đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quôc Mun Che In sau khi hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo kết thúc.
Đây là lần thứ 6, Việt Nam và Hàn quốc ký MOU về EPS. Các bản MOU trước đã được ký vào các năm 2004, 2006, 2010, 2012, 2016. Bản MOU ký lần này có giá trị 2 năm.
Lý do là theo quy định của Hàn quốc, các bản MOU về EPS mà Hàn quốc ký với các nước (Hàn quốc đã ký với 15 nước) đều có quy định thời hạn có hiệu lực và sẽ được ký lại sau khi hết hạn.
Nội dung của MOU về EPS được ký lần này về cơ bản tương tự các bản MOU đã ký trước đây, trong đó có đề cập đến trách nhiệm của cơ quan phái cử và tiếp nhận, những chi phí phái cử, quy trình tuyển chọn, giới thiệu và ký hợp đồng với các ứng viên.
MOU cũng quy định các công tác chuẩn bị trước khi đi, hỗ trợ quá trình phái cử và tiếp nhận lao động; các biện pháp phòng ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp của người lao động.
Bản MOU cũng đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiệm của các cơ quan liên quan cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện EPS.
Chương trình EPS bắt đầu được triển khai từ năm 2004 đem lại nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao tại thị trường Hàn Quốc. Đơn cử, trong số gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn quốc có tới 38.000 lao động làm việc theo Chương trình EPS với mức lương bình quân từ 1.000 - 1.500 USD/tháng.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong việc triển khai chương trình EPS mà hai bên đang nỗ lực giải quyết đó là tình trạng người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động đã không về nước mà tiếp tục ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ trao đổi, thống nhất với phía Hàn Quốc về kế hoạch triển khai Bản MOU này bao gồm việc tổ chức các kỳ thi tuyển lao động theo Chương trình EPS trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.