Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học có sự thay đổi trong những năm qua. Năm 2015, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Kỳ thi này thay thế kỳ thi đại học “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả).
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành kỳ tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp, nên đề thi có phần “nhẹ” hơn, tính phân loại không cao. Vì thế các trường đại học, đặc biệt là nhóm trường tốp trên đã áp dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển, bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh.
Đề cập những con số này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, số thí sinh vi phạm nhiều hơn là điều đáng tiếc. Ban chỉ đạo kỳ thi THPT các cấp đã quán triệt các điểm thi phải tăng kỷ cương để giảm vi phạm, ngăn chặn khả năng vi phạm quy chế thi của các thí sinh. Chẳng hạn, các điểm thi đều bố trí khu vực giữ đồ dùng cá nhân cho thí sinh, bao gồm điện thoại di động nếu các em lỡ mang đến điểm thi.
“Các hội đồng thi đều đã chỉ đạo các điểm thi đề nghị các giám thị trước mỗi buổi thi nhắc nhở từng thí sinh về việc không mang điện thoại vào phòng thi. Mặc dù vậy, vẫn có em mang vào, như thế là các em cố tình. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Công an để có thêm các hình thức ngăn ngừa, đề phòng gian lận”, ông Lê Mỹ Phong nói.
Phương thức tuyển sinh đa dạng, nên chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở các trường đều giảm mạnh. Theo các chuyên gia, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2020 là cơ hội để các trường đại học đẩy mạnh tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh, theo luật. Do đó, việc tuyển sinh không phụ thuộc nhiều vào điểm thi tốt nghiệp THPT, thậm chí không còn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ là xu hướng trong những năm tới.
Trước thực trạng kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm rất tốn kém, kéo theo sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành; đặc biệt, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao (có địa phương, tỷ lệ đỗ lên đến 99 - 100%), nhiều ý kiến đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên “trả” kỳ thi tốt nghiệp này về cho các địa phương tổ chức? Lộ trình đổi mới kỳ thi THPT như thế nào?
Liên quan vấn đề này, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã có lộ trình để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ xây dựng các phương án thi cho những năm tới, đặc biệt là giai đoạn thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Hiện nay, chúng ta tổ chức kỳ thi theo Luật Giáo dục 2019, thí sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT thì được xét tốt nghiệp. Chúng tôi đang lên kế hoạch để có phương án thi tốt nhất, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin thêm, năm 2023 và 2024, công tác thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ được giữ ổn định như hiện nay. Năm 2025, sẽ có phương thức thi hoàn toàn mới. Kỳ thi sẽ được tổ chức sao cho ngày càng tinh gọn và đảm bảo được mục tiêu.
Đặc biệt, trước tình trạng quy định về tuyển sinh có nhiều thay đổi trong thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu có thay đổi, điều chỉnh về mặt phương thức cũng như kỹ thuật liên quan tới kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải công bố sớm lộ trình để các trường và thí sinh chủ động.
Lý do là, ngay từ khi vào lớp 10, học sinh thường đã xác định theo khối nào, tập trung cho những môn nào để chuẩn bị ôn thi đại học, nên nếu có sự thay đổi đột ngột trong tuyển sinh từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các trường đại học, các em sẽ phải chuyển hướng và gặp nhiều khó khăn.