Thời sự
Kỳ vọng du lịch Việt Nam trở thành thương hiệu được quý mến
Hữu Thắng - 09/02/2016 09:38
Năm 2015, mặc dù phải đối mặt những biến động quốc tế và tình hình khó khăn trong nước, nhưng du lịch Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn cần hướng tới sự bền vững và tạo ra đột phá nhằm phát huy tối đa thế mạnh ở năm 2016.

Những kết quả cần được ghi nhận

Năm 2015, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Chính phủ, ngành du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực: Đón được 7,94 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa với tổng thu đạt 338.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đội ngũ làm du lịch, cơ sở lưu trú tăng nhanh và ngày càng nâng cao về chất lượng. Tính đến hết năm 2015, cả nước có 1.573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và trên 10.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa; 18.800 cơ sở lưu trú với trên 355.000 buồng (tăng 2.800 cơ sở lưu trú so với năm 2014).

Có nhiều điểm du lịch mới được mở ra thu hút nhiều du khách quốc tế. Các điểm du lịch ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Hà Giang đã tạo dựng được thương hiệu là điểm đến mới quyến rũ qua việc tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch. Yên Bái ngày càng được biết đến qua lễ hội “Mùa vàng Mù Căng Chải” với tâm điểm là sự kiện “Bay trên Mùa vàng”; hang động ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng đã ngày càng tạo được sức hút lớn đối với du khách quốc tế và quan tâm của khách nội địa.Ngoài ra, các điểm du lịch biển ở vùng duyên hải Bắc Bộ, miền Trung, Nam Trung Bộ, Phú Quốc, Côn Đảo cũng có nhiều đổi mới về quản lý và cung cấp dịch vụ, tạo sức hấp dẫn mới đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, năm 2015 đánh dấu sự xuất hiện của nhiều dự án đầu tư du lịch quy mô lớn, cao cấp của nhiều nhà đầu tư chiến lược như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC... ở nhiều địa bàn trọng điểm và tiềm năng về du lịch.

Hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày càng phong phú. Nhiều điểm du lịch được các tổ chức uy tín bình chọn là địa chỉ yêu thích của đông đảo du khách quốc tế. Trong đó, điển hình như Vịnh Hạ Long được trang web BuzzFeed của Mỹ bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới.

Hà Nội được TripAdvisor bình chọn là 1 trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới năm 2014; Việt Nam được Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch lẻ.

Đặc biệt, Hang Sơn Đoòng được Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới và Tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Nga bình chọn là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới của năm 2014; Tuyến du lịch trên sông Mê Kông (đoạn Việt Nam-Campuchia) được báo Telegraph (Anh) xếp thứ 4/5 tuyến du lịch trên sông hàng đầu châu Á... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam cũng đã được các tổ chức, website tiêu dùng vinh danh do chất lượng dịch vụ xuất sắc của mình.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ; trước bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, ngành Du lịch nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tạo những chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và cải thiện môi trường du lịch.

Những thách thức cần được giải quyết

Dấu ấn ngành Du lịch đạt được năm 2015 có 4 điểm nổi bật. Một là đã chặn được đà suy giảm, bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng để chuẩn bị bước vào một chu kì tăng trưởng mới. Hai là một năm có dấu ấn của sự chỉ đạo và việc triển khai thực hiện Nghị quyết 92, Chỉ thị 14 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chính sách này bắt đầu phát huy được vai trò, dần đi vào cuộc sống. Ba là hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở kỹ thuật của ngành được tăng cường đáng kể, đặc biệt là các dự án đầu tư có quy mô lớn vào lĩnh vực du lịch do các tập đoàn lớn thực hiện và hầu hết các thương hiệu khách sạn lớn trên thế giới đều có mặt tại Việt Nam. Bốn là hoạt động quảng bá xúc tiến của chúng ta chưa bao giờ được triển khai rộng khắp, quy mô lớn và huy động các nguồn lực, đem lại hiệu quả như trong thời gian vừa qua. Những dấu ấn đó rất quan trọng, tạo ra nền tảng, tiền đề để bước vào năm 2016 với những điều kiện và cơ hội mới.

Song, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thời tiết như lụt lội ở Quảng Ninh, sạt lở ở vùng biển duyên hải miền Trung… đã tác động tiêu cực tới quá trình thu hút khách của du lịch đến Việt Nam trong năm qua.

Cùng với đó, ngoài những thành công đạt được, ngành du lịch vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, nhất là hệ thống quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Trước hết, nhận thức xã hội về du lịch nói chung và trong quản lý nói riêng, dù có cải thiện nhưng còn khoảng cách xa với tầm nhìn phát triển. Sự khó khăn trong quản lý nhà nước về du lịch đã kéo theo hệ quả không tốt cho quá trình liên kết, liên ngành, liên vùng, một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc kết nối ngành du lịch để phát triển bền vững. Thực tế, mặc dù có nhiều cải thiện nhưng ngành du lịch vẫn đang hoạt động trong bối cảnh thiếu phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ bởi các ngành liên quan. Sự liên kết giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương còn yếu trong xây dựng chính sách, dẫn đến việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong từng địa phương về phát triển du lịch còn hạn chế.

Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn nội tại, nhưng vẫn phải đương đầu với vấn đề cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực đang ngày càng quyết liệt. Thực tế, khoảng cách về lượng khách quốc tế giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực còn kém xa rất nhiều. Nước ta thua kém các nước trong khu vực hầu hết ở những yếu tố quyết định như cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận điểm đến, visa cửa khẩu, môi trường pháp lý, mức độ ưu tiên cho du lịch, lĩnh vực đào tạo...

Chính vì thế, sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, sự năng động tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, sự đồng cảm và tham gia của cộng đồng dân cư, du khách và sự quan tâm khích lệ của các cơ quan thông tin truyền thông – một kênh quan trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch đất nước cũng như phát hiện những bất cập cần khắc phục để du lịch Việt Nam trở thành một thương hiệu được mỗi người chúng ta cũng như bạn bè quốc tế ngày càng quý mến.

Tin liên quan
Tin khác