Bắt đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp:
Ngày 17/4/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 57 thay thế Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp nông thôn. Và trong giải pháp năm 2020 có nêu thúc đẩy nông nghiệp hàng hoá, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất... Như vậy doanh nghiệp đóng vai trò là rất quan trong trong sản xuất và đầu tư công nghệ và phát triển thị trường , Bộ trưởng đánh giá tình hình và giải pháp để thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu về Nghị định 57 khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 57 là một sự thay đổi nhằm khuyến khích nhiều hơn thuận lợi hơn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thuận lợi. Doanh nghiệp và HTX là hạt nhân để tổ chức sản xuất lớn. Sau khi nghị định được ban hành thì tất cả các tỉnh thành phố đều triển khai nghị định.
“Có một số liệu đáng vui được báo cáo trước Quốc hội đó là, chỉ trong vòng ba năm vừa qua số lượng đầu tư vào nông nghiệp đã tăng đã tăng gấp 3 lần từ chỗ hơn 3.000 đến 11.800 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đó là thành công bước đầu của chúng ta. Thứ hai, hầu hết các tập đoàn lớn của chúng ta đã hướng đến khu vực nông nghiệp như TH, Vinamilk, Vingroup... đã đầu tư vào nông nghiệp tạo nên hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Những doanh nghiệp này đều có mặt ở các vùng miền, 6 vùng kinh tế xã hội. Từ các khâu từ sản xuất trực tiếp, chế biến và tổ chức thương mại”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường "đăng đàn" trả lời chất vấn |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, “Số lượng doanh nghiệp đầu tư có tăng nhưng vẫn còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”.
Để thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tới đây sẽ phải có những tham mưu về chính sách. Đặc biệt theo hướng đầu tư công tư sẽ tạo ra một làn sóng mới.
Do vậy, Bộ trưởng kỳ vọng, vào việc thông qua luật PPP để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt hướng PPP sẽ tiếp làn sóng đầu tư vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng còn dư địa và thể hiện khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Các chính sách nhằm thu hút nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đến nay đã tương đối đầy đủ. Đầu tiên phải nói đến Nghị định 57 ngày 17/4/2018, hiện nay các Bộ ngành rất tích cực. Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 53/2019 cũng đang tiếp tục triển khai các giải pháp. Cùng với hai văn bản trên tới đây, Bộ cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho chính phủ bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng chính sách trong gia đoạn mới.
Toàn cản phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. |
Theo các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong top 15 nước phát triển nhất thế giới.
Nghị quyết số 53/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: “DN nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam”. Từ nhận thức này, hàng loạt giải pháp, chương trình hành động đã được Chính phủ đưa ra, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, bảo đảm ổn định chính sách vĩ mô. Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì, nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường nhượng quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành những vùng sản xuất, chế biến tập trung…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp đã tăng mạnh trong vào năm trở lại đây, từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên con số 7.033 doanh nghiệp năm 2017, tăng 2,93 lần, với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Đến hết năm 2018, đã có hơn 8.000 doanh nghiệp đầu tư vào ngành. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1.634 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 10.988 đơn vị.
Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường. Điều đáng ghi nhận là, đã có nhiều tập đoàn lớn nhìn thấy tiềm năng to lớn từ nông nghiệp, mạnh dạn khai mở những hướng đi mới, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như TH True milk, VinEco (Tập đoàn VinGroup), Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty cổ phần Nafoods Group (Nafoods), Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Masan, Dabaco...