Kỳ vọng vào APEC 2017 tại Việt Nam |
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24 vừa diễn ra tại trung tâm Hội nghị Lima ở thủ đô Lima của Peru trong các ngày 17-20/11, các nhà lãnh đạo khu vực đã cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong bối cảnh thoạt động thương mại toàn cầu đình trệ và khuynh hướng chống toàn cầu hóa có vẻ trỗi dậy.
Những trận gió ngược
Sự kiện người dân nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay gọi là Brexit, và việc ông Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã khiến nhiều quốc gia quan ngại. Trong quá trình tranh cử, tỷ phú bất động sản Trump từng phản đối mạnh mẽ TPP và cảnh báo sẽ xem xét hay đàm phán lại nhiều hiệp định thương mại khác mà Mỹ tham gia.
Theo giới phân tích, bối cảnh trên làm các nền kinh tế châu Á, vốn có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây và phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, quan ngại và bất an khi xu hướng bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng trên thế giới. Deborah Elms - Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore - được hãng tin AFP dẫn lời nói việc Mỹ và châu Âu hướng nội sẽ khiến các nền kinh tế châu Á phải tập trung vào các thỏa thuận khu vực.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao ngày 24/11 hối thúc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi TPP và nói khu vực này vẫn sẽ xúc tiến các thỏa thuận quan trọng. Phát biểu tại Manila, ông Nakao bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ không rút khỏi Hiệp định, đồng thời lưu ý rằng "nếu Mỹ không tham gia, có thể còn rất nhiều cách tiếp cận (thỏa thuận TPP)".
Ông Nakao viện dẫn Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là các thỏa thuận thương mại khu vực vẫn có thể phát triển được nếu TPP đổ vỡ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Mỹ tiếp tục can dự ở châu Á bởi điều này đem lại lợi ích cho toàn bộ khu vực châu Á và cũng như lợi ích cho Mỹ.
Các nhà lãnh đạo APEC đánh giá thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng về kinh tế, chính trị và an ninh; sự phục hồi kinh tế trên thế giới tiếp tục chậm hơn dự báo.
Thương mại khu vực và toàn cầu tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Tại phiên họp vừa qua, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của an ninh lương thực và nguồn nước đối với tăng trưởng chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trong hai ngày 19-20/11, các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực.
Các thành viên APEC cũng đạt bước tiến mới về liên kết, kết nối khu vực với việc thông qua hai văn kiện có ý nghĩa định hướng hợp tác dài hạn của APEC về liên kết kinh tế và dịch vụ, gồm "Tuyên bố Lima về khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương" và "Lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ", trong đó có việc giảm các rào cản đối với ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ của khu vực trong tổng xuất khẩu dịch vụ của thế giới và nâng mức tăng trưởng của ngành dịch vụ trong APEC lên hơn 6,8%/ năm... Những kết quả trên đã khẳng định vai trò năng động, tiên phong của APEC là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.
Kỳ vọng vào APEC 2017 tại Việt Nam
Theo kế hoạch, Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá các nước thành viên, cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện rõ sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ và cả kỳ vọng của đối với Năm APEC 2017.
Các thành viên APEC hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Việt Nam về chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, hướng ưu tiên cũng như kế hoạch tổ chức các hoạt động trong cả năm. Điều này phản ánh kỳ vọng chung của các thành viên cùng nỗ lực để Năm 2017 sẽ tạo động lực mới giúp APEC lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và thương mại, mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới, và làm sâu rộng hơn liên kết khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của các thành viên.
Cùng với đó, Năm APEC 2017 sẽ là cơ hội thiết thực, để đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển của Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với các hoạt động phong phú, đa dạng của APEC được tổ chức trên phạm vi cả nước, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội quý báu để nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền.
Trong hội nghị vừa qua, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế đã đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam và những nỗ lực của nước ta trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều tập đoàn lớn khẳng định sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội mới từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn.
Được thành lập tháng 11/1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên. Hiện các quốc gia thành viên APEC có tổng dân số khoảng 3 tỷ người, đóng góp 49% thương mại và 57% GDP toàn cầu.