Doanh nghiệp
Kỳ vọng xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù cán mốc 4 tỷ USD
Minh Nhung - 21/10/2022 11:16
Có một mặt hàng xuất khẩu ít ai ngờ đến, tưởng nhỏ, chỉ là nghề phụ, thủ công, nhưng lại sớm tham gia câu lạc bộ các mặt hàng trên 1 tỷ USD từ năm 2011 và năm nay có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Đan Nguyễn

Đó là mặt hàng túi xách, ví, va li, mũ, ô dù. Kim ngạch mặt hàng này liên tục tăng lên trước đại dịch Covid-19, chỉ bị giảm khi đại dịch tràn đến vào năm 2020, bùng phát vào năm 2021.

Trong 9 tháng của năm 2022, nhờ dịch bệnh được kiểm soát, cùng với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, việc xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đã đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đứng thứ 15 trong các mặt hàng xuất khẩu của cả nước.

Mới qua 3 quý của năm, nhưng quy mô đã cao hơn mức cả năm 2021 và các năm từ 2015 trở về trước. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đã tăng cao gấp đôi tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (37% so với 17,2%), hay tăng trên 844 triệu USD, cao thứ 10 trong các mặt hàng.

Mặt hàng này có trên kệ ở hàng loạt siêu thị trên thế giới, thuộc loại nhiều thị trường nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, trong 41 thị trường chủ yếu, có 22 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 5 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Mỹ lên tới 1.418 triệu USD, tiếp đến là Nhật Bản 256 triệu USD, Hà Lan 199 triệu USD, Đức 147 triệu USD, Canada 142 triệu USD).

Trong 41 thị trường chủ yếu, có 28 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 thị trường có mức tăng lớn (trên 10 triệu USD), lớn nhất là Mỹ lên tới 438 triệu USD, tiếp đến là Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Đức…

Kết quả khả quan của xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù do nhiều yếu tố.

Trước hết là yếu tố lao động. Việt Nam có lợi thế là giá nhân công rẻ, có tính cần cù, có tay nghề khéo léo… Lợi thế đó là tiềm năng lớn để phát triển ngành sản xuất và xuất khẩu mặt hàng tưởng nhỏ, chỉ là nghề phụ này.

Yếu tố thị trường từ nước ngoài (như đã đề cập ở trên) và trong nước đã thúc đẩy các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đầu tư vào mặt hàng này. Có lẽ ít người ngờ rằng, trong 9 tháng năm 2022 khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất khẩu tới 2180,5 triệu USD túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Kỳ vọng xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù năm 2022 dựa trên 2 phương án. 

Phương án 1, với giả thiết kim ngạch mặt hàng này bình quân 1 tháng trong 3 tháng cuối năm đạt bằng mức của tháng 9 (xấp xỉ 295 triệu USD); tính ra 3 tháng cuối năm đạt 885 triệu USD; cộng với kim ngạch đã đạt được trong 9 tháng (3.078 triệu USD) thành cả năm 2022 sẽ đạt 3.963 triệu USD.

Phương án 2 vừa thể hiện quyết tâm, vừa thể hiện tính khả thi, với giả thiết bình quân 1 tháng trong 3 tháng cuối năm đạt bằng với mức bình quân của 8 tháng đầu năm (đạt 348 triệu USD), thì 3 tháng cuối năm 2022 đạt 1.044 triệu USD, tính ra cả năm đạt 4.122 triệu USD.

Theo đó, phương án 1 đạt (cán mốc) 4 tỷ USD, phương án 2 vượt qua mốc 4 tỷ USD.

Vấn đề đặt ra đối với túi xách, ví, va li, mũ, ô dù có một số điểm cần lưu ý như: các nhà đầu tư trong nước cần quan tâm để tăng tỷ trọng sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này. Nguồn nguyên liệu đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, cần khai thác thêm nguồn trong nước.

Tiền lương, thu nhập của lao động sản xuất sản phẩm quan trọng này nhìn chung còn thấp, lại bị “bào mòn” sau hơn 2 năm bị đại dịch.

Thị trường cần được mở rộng. Tăng thêm kim ngạch đối với các thị trường hiện còn ít như Argentina, Chi lê, Đan Mạch, Nauy, Pê ru, Séc, Thái Lan, Thụy Sỹ. Khắc phục tình trạng giảm đối với một số thị trường như Hồng Kông, Trung Quốc, đặc biệt là Nga (giảm 11,3 triệu USD).

Tin liên quan
Tin khác